Dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan

Gan, mật tiêu hóa / 23.07.2021

Nhiệm vụ của một lá gan khỏe mạnh tham gia vào tiến trình tiêu hóa thức ăn, hỗ trợ hấp thu hiệu quả các dưỡng chất có lợi và thanh lọc các độc chất cho cơ thể. Khi gan bị viêm, một thực đơn cân đối - lành mạnh sẽ giúp các tế bào gan được nuôi dưỡng và hồi phục dễ dàng.

Dinh dưỡng cho người bị viêm gan cấp tính
 
Biếng ăn trầm trọng, nôn ói, đau bụng, thay đổi khẩu vị…rất thường gặp trong giai đoạn viêm gan cấp tính, làm cho người bệnh không thể nhận đủ năng lượng và các dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể và nuôi dưỡng tế bào gan.

Chọn thực phẩm cho người bệnh viêm gan cấp tính:
Chọn món ăn ngon, nhưng ít béo: Gan bị viêm sẽ sản xuất ít dịch mật, người bệnh sẽ có cảm giác biếng ăn, khó tiêu hóa các món ăn giàu chất béo, vì vậy hãy chọn những món ngon, có mùi vị thơm tho nhưng ít béo, như: nước trái cây, nước uống giàu năng lượng, trà sữa ít béo, sinh tố trái cây, mứt trái cây, sữa chua hoặc kem làm từ sữa không béo…
Chọn thức ăn đa dạng, giàu dưỡng chất, chế biến mềm, lỏng, mùi vị thơm ngon và ăn thành nhiều bữa nhỏ (6 - 8 bữa trong ngày).
Dùng thực phẩm bổ sung thay thế bữa ăn: Nếu người bệnh quá mệt không thể ăn được, hãy dùng thực phẩm bổ sung thay thế bữa ăn, để bảo đảm năng lượng và các dưỡng chất cho người bệnh trong đoạn bệnh cấp tính.
 
Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm cần hạn chế khi bị viêm gan cấp tính:
- Sữa nguyên kem, sữa chua hoặc kem làm từ sữa nguyên kem, phô mai, váng sữa.
- Các loại bánh giàu chất béo, sô cô la
- Trứng gà, vịt (không ăn quá 3 trứng mỗi tuần).
- Rau trộn với mayonnaise hoặc kem nguyên chất.
- Trái bơ
- Các món chiên, rim, rô ti, da gà, da vịt, các món thịt chế biến sẵn và xúc xích, cá ngừ ngâm dầu (đồ hộp).
- Các loại hạt béo, bơ đậu phộng, mứt làm từ hạt béo.
- Khoai tây chiên, rau củ sấy khô trộn bơ hoặc phô mai.
 
Bổ sung vitamin, khoáng chất và điện giải: 
Việc sử dụng thuốc bổ phải được sự đồng ý của bác sĩ: 
- Vitamin nhóm B và choline thường được chỉ định để hỗ trợ chức năng gan. 
- Dung dịch nước – điện giải sẽ được chỉ định nếu người bệnh ói nhiều. 
- Trong trường hợp thiếu nước trầm trọng khiến người bệnh lừ đừ, kém tiếp xúc thì phải đưa đi cấp cứu ngay. 
 
Khẩu phần lành mạnh cho người viêm gan mạn tính
Viêm gan mạn tính là viêm gan kéo dài trên 6 tháng. Người bệnh thường mệt mỏi, ăn mất ngon, có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, dễ tiêu chảy và mau đuối sức khi đi lại hoặc khi thực hiện những công việc thường ngày. Khẩu phần cần thay đổi thường xuyên để phù hợp với chức năng của gan.
 
Nguyên tắc chọn và chế biến thức ăn cho người bệnh viêm gan mạn tính
- Chọn thực phẩm tươi, mới.
- Chọn ngũ cốc, lương thực còn lớp cám, lớp vỏ lụa
- Thịt nạc và cá nạc sẽ dễ tiêu hóa hơn thịt mỡ, da động vật, trứng.
- Chọn rau, trái cây đa dạng về màu sắc, hương vị để nhận đủ chất xơ và các vitamin.
- Uống 2 ly sữa mỗi ngày, thay đổi giữa sữa không béo, sữa ít béo với sữa đậu nành có bổ sung can xi.
- Không dùng những thực phẩm dễ gây dị ứng.
- Giảm các món ăn béo, các món chiên ngập dầu… 
- Giảm ăn mặn. 
- Bảo đảm vệ sinh khi chế biến món ăn.
 
Giải quyết những rắc rối thường gặp trong viêm gan mạn tính:
 
Sụt cân, suy dinh dưỡng: Khi người bệnh có biểu hiện này, cần kiểm tra lại năng lượng khầu phần. Để cải thiện và ngăn ngừa sụt cân tiếp diễn hãy cho người bệnh ăn nhiều bữa nhỏ và chọn thực phẩm giàu năng lượng, như các loại đậu, sữa có hàm lượng chất béo từ 2 đến 3,2%, sinh tố sữa chua - trái cây, các loại thức uống thay thế bữa ăn (meal replacement drinks), chế biến món ăn bằng những loại dầu tốt cho sức khỏe (dầu ô liu, dầu cải…). Hạn chế kẹo, khoai tây chiên, bánh rán, cà phê nhiều đường, trà đường, nước ngọt, nước uống thể thao… những món này cung cấp năng lượng nhưng không có các dưỡng chất quan trọng như đạm, vitamin, khoáng chất.
 
Thừa cân – béo phì: Cần ăn uống lành mạnh (khẩu phần nhiều rau – trái cây, ít béo, ít đường) và vận động phù hợp với tình trạng bệnh để cải thiện dần cân nặng, một thân hình cân đối (BMI = 18.5 – 23) sẽ giúp người bệnh không mắc thêm các bệnh mạn tính không lây. 
 
Thiếu vitamin và khoáng chất: Người bệnh viêm gan dễ thiếu vitamin và khoáng chất do biếng ăn trầm trọng, ói, tiêu chảy… bổ sung đa vitamin và khoáng chất cần có ý kiến của bác sĩ. Không được dùng liều cao bất kỳ vitamin và khoáng chất nào, đặc biệt là sắt, đồng, man gan, vitamin B3 (niacin) và vitamin A vì có thể gây ngộ độc.
 
Nghiện rượu: Rượu sẽ làm tổn thương trầm trọng tế bào gan.Tốt nhất là người bệnh không uống một chút rượu nào. Hãy nhờ bác sĩ can thiệp nếu người bệnh nghện rượu.
 
BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Bài viết cùng chuyên mục

Theo dõi