Hàng loạt vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm trôi nổi, nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Đáng lưu ý, đa số vụ bị phát hiện đều là những loại thực phẩm “đinh” phục vụ 3 ngày tết.
Thực phẩm tết bán tại các chợ truyền thống
Thực phẩm ngâm hóa chất... tung hoành
Ngày 21.1, thông tin Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP.HCM khám xét và phát hiện một cơ sở chế biến thịt ốc tại khu dân cư Bến Lức (P.7, Q.8, TP.HCM) dùng hóa chất công nghiệp để tẩy, ngâm ốc bỏ mối cho các nhà hàng quán ăn gây hoang mang cho người tiêu dùng, đặc biệt với các “tín đồ” món ốc. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chủ cơ sở và người lao động đang dùng hóa chất công nghiệp đựng trong can, thùng dùng để tẩy rửa, bào mòn để… ngâm thịt ốc. Mục đích cho ốc tươi bóng lâu hơn và tăng trọng lượng, thời gian ngâm lên đến 7 tiếng đồng hồ. Sau đó vớt ra đóng vỉ hoặc bỏ bịch mang đi giao cho khách hàng gồm các tiệm ăn, xí nghiệp, siêu thị, chợ… Đây là một trong những cơ sở chế biến ốc lớn nhất ngay khu vực chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền. Lực lượng chức năng đã niêm phong gần 500 kg hóa chất và hơn 1,3 tấn ốc để phục vụ công tác điều tra.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh: “Việc thanh tra quản lý các cơ sở này, nếu có phải được báo cáo ghi chép hằng ngày. Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội cũng rất quan trọng, đó là bảo vệ và giám sát lẫn nhau. Mục đích cao nhất phải bảo đảm an toàn cho người dùng. Thế nhưng, đáng tiếc là chúng ta đôi khi không coi trọng vai trò của các hiệp hội. Thế nên, để có một cái tết an toàn, hãy là “người tiêu dùng thông minh” trước hết” |
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) cũng phát hiện bắt giữ một ô tô tải chở 25 thùng (2,5 tạ) cá khoai đi tiêu thụ. Toàn bộ sản phẩm sau khi được lực lượng chức năng “test” nhanh đều cho kết quả dương tính với chất phoóc môn - loại hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm do gây ung thư cho người dùng nếu đưa vào cơ thể liên tục. Trước đó, ngày 19.1, tại Lạng Sơn, lực lượng quản lý thị trường cũng kiểm tra, chặn được vụ vận chuyển 6 bao tải chứa hơn 300 kg chân gà thành phẩm đã qua tẩm ướp gia vị, hút chân không, có nhãn bằng tiếng Trung Quốc bên ngoài được nhập lậu vào VN, đang trên đường đưa đi tiêu thụ. Trước đó vài ngày, cũng tại Lạng Sơn, địa phương có nhiều đường mòn, lối mở với biên giới Trung Quốc, đoàn công tác cũng phát hiện xe tải chở 80 bao chứa 2 tấn nầm heo (vú heo) không hóa đơn chứng từ, trên đường đưa đi tiêu thụ. Đặc biệt, sản phẩm khi tiếp xúc với không khí đã chảy nước, bốc mùi…
Lực lượng chức năng kiểm tra mẫu thịt làm bò viên
An toàn thực phẩm tại chợ “có cải thiện”
Thực tế, vào dịp trước Tết Nguyên đán, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lượng thực phẩm lớn nhất nước và đổ sỉ đi các tỉnh. Cũng ngay trong tuần qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã tiến hành thanh tra công tác vệ sinh ATTP tại một số chợ và siêu thị, lấy mẫu ngẫu nhiên và sử dụng công cụ “test” (kiểm tra) nhanh các chỉ số hàn the, phẩm màu… được sử dụng trong sản phẩm. Tại các chợ truyền thống Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), sau khi thử nhanh các mẫu thực phẩm tươi sống như thịt heo, cá, giò chả, bánh phở, bún… đoàn kiểm tra không phát hiện các hóa chất hàn the, phẩm màu có trong sản phẩm. Tương tự, một số mặt hàng đồ khô được lấy mẫu ngẫu nhiên tại các chợ An Đông (Q.5), siêu thị MM Megamarket An Phú (Q.2)… qua “test” nhanh cũng không phát hiện hai chất nói trên trong các mẫu sản phẩm cá khô, tôm khô, bò khô hay mứt, trái cây sấy…
Đánh giá về kết quả kiểm tra nhanh nói trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, nhận xét tình hình mua bán thực phẩm khô, mứt bánh, thực phẩm tươi tại các chợ đã được cải thiện. Song lượng hàng hóa trôi nổi trên thị trường, không được bày bán tại các quầy hàng uy tín, vẫn tồn tại đâu đó trên thị trường tự do, và đây mới là nguy cơ lớn cho người tiêu dùng.
Chuyên gia thực phẩm Nguyễn Văn Duy (TP.HCM) cho rằng việc kiểm tra nhanh tại các chợ, siêu thị và cho kết quả an toàn với một số sản phẩm vốn luôn nằm trong tầm ngắm bị sử dụng hóa chất nhiều nhất trong bảo quản là một “liều thuốc tinh thần” quan trọng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả đó chưa thể “đại diện” cho hết thảy hàng thực phẩm đang lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, vẫn còn quá nhiều sản phẩm ngâm tẩm hóa chất độc hại, được làm bởi các cơ sở uy tín như câu chuyện ngâm hóa chất với lượng lớn vào trong thịt ốc của cơ sở chuyên chế biến ốc bán sỉ tại chợ Bình Điền là một cảnh báo trong quản lý vệ sinh ATTP… “Ngoài hàng sản xuất trong nước vi phạm ATTP, thực phẩm trôi nổi, nhập lậu… đang được bày bán với lượng lớn mới là vấn đề lớn trong quản lý ATTP ngày tết”, ông Duy nhận định.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, bổ sung với câu hỏi: Thịt heo và tôm trên thị trường hiện giá bán bao nhiêu 1 kg mà có cơ sở tự xưng bán hàng sạch, nhà làm với 360.000 đồng/kg ruốc tôm thịt? Bao nhiêu ký thịt tươi và tôm tươi mới làm được 1 kg ruốc này? Cứ thử đặt một câu hỏi nhỏ để hiểu thực trạng ATTP ngày tết của chúng ta cần báo động ở đâu và khâu nào, mặt hàng nào.
Phạt gần nửa tỉ đồng vi phạm ATTP
Cũng theo TS Minh, có những mặt hàng đang “gây khó” cho thị trường thực phẩm tết là đồ khô kiểu “nhà tự làm”, nhập lậu… giá rẻ. Hiện nhiều bà nội trợ thường vẫn thích chọn mua nhiều đồ ăn chỉ vì… rẻ. Thứ hai, người Việt thích nhậu với nhâm nhi chân gà nướng hay chân gà ngâm sả ớt chua ngọt. Đó là lý do hàng tấn chân gà, vú heo không nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi vẫn lũ lượt vào VN và bán tràn các quán nướng. Hay như các món khô gà giá rẻ chỉ 100.000 đồng/kg cũng mua và khen ngon mà không cần biết nguồn gốc nguyên liệu chế biến.
Thực tế, thường cứ cận tết, các cơ quan, tổ chức quản lý ATTP làm hàng loạt cuộc kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối trong việc bảo đảm ATTP. Chỉ tính riêng trong tháng 12.2020, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt gần nửa tỉ đồng. Trong đó, thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm là để côn trùng (ruồi, gián...) lẫn vào trong nguyên liệu chế biến. Thậm chí, có nơi có cả… phân mèo “nằm chễm chệ” ngay trong khu vực chế biến thức ăn. Các khu vực nhà kho chứa hàng đông lạnh bám bẩn, lâu ngày không được vệ sinh hoặc các quầy kệ đựng nguyên liệu chế biến đều gỉ sét bong tróc… Thậm chí, ngay cả khi quy định cho các cơ sở sản xuất chế biến tự công bố an toàn vệ sinh thực phẩm thì nhiều cơ sở qua kiểm tra không có hồ sơ tự công bố này.
Theo chuyên gia, việc quản lý ATTP của Việt Nam vẫn còn nặng tính làm theo mùa, cứ đến tết là ồ ạt kiểm tra. Trong khi thực tế “mầm mống” của các cơ sở chế biến thực phẩm độc hại, những người kinh doanh thực phẩm không an toàn đã tồn tại từ năm này sang tháng nọ. Với các cơ sở sản xuất, quy định về ghi chép số liệu hầu như không có nên khi pate Minh Chay bị nhiễm khuẩn, gây hại cho người dùng thì việc tìm cách khoanh vùng lô hàng bị nhiễm vi khuẩn này vô cùng khó khăn do không nắm được lô hàng được bán đi những đâu, đó là cách làm chuyên nghiệp tối thiểu phải có của nhà sản xuất.
Theo Báo Thanh Niên