Truyền thông và giáo dục sức khỏe / 11.04.2023
BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Bạn có biết?
Nhiệt độ toàn cầu đang tăng, tần suất các đợt nắng nóng nghiêm trọng ngày càng nhiều và có thể còn tăng thêm 5 độ C nữa trong vòng 100 năm tới. Ở người, phản ứng điều nhiệt sinh lý chính là sự bài tiết mồ hôi.
Dự báo thời tiết trong tuần này nhiệt độ môi trường có thể lên đến 36 độ C.
Các vấn đề sức khỏe nào thường gặp khi làm việc dưới nắng nóng?
Các vấn đề sức khỏe được cảnh báo khi làm việc trực tiếp dưới nắng nóng bao gồm:
Phát ban do nhiệt:
Phát ban do nhiệt, còn được gọi là "cơn nóng như kim châm", do mồ hôi không được loại bỏ khỏi bề mặt da bằng cách bay hơi. Các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn và các tuyến mồ hôi bị viêm, dẫn đến phát ban trên da.
Chuột rút do nhiệt:
Chuột rút do nhiệt là tình trạng co thắt ngắt quảng các cơ được sử dụng để thực hiện công việc (cơ ở tay, chân rất thường gặp) gây đau đớn, tình trạng có thể xảy ra trong hoặc sau khi làm việc nặng nhọc trong điều kiện nóng bức. Co thắt cơ là kết quả của việc mất quá nhiều muối qua mồ hôi mà không được bù đầy đủ.
Kiệt sức do nhiệt:
Kiệt sức vì nóng là kết quả của mất một lượng nước và muối lớn. Tình trạng này được đặc trưng bởi mồ hôi đầm đìa, chóng mặt, sắc mặt tái nhợt hoặc đỏ bừng, suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh yếu, ngất xỉu và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn là bất tỉnh.
Người bị kiệt sức vì nóng cần được nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ và uống nhiều nước. Các trường hợp nhẹ có thể tự phục hồi. Các trường hợp nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế trong vài ngày.
Say nắng:
Say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến làm việc trong môi trường nóng bức. Say nắng xảy ra khi cơ chế điều nhiệt của cơ thể bị phá vỡ. Các đặc điểm của say nắng là nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 40,5 độ C trở lên, da nóng, khô, đỏ bừng, say nắng nặng có thể dẫn đến mê sảng, lú lẫn, co giật hoặc hôn mê, tử vong.
Lú lẫn, nói ngọng hoặc bất tỉnh là những dấu hiệu của say nắng. Khi một người có các biểu hiện này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức (115) và thực hiện sơ cứu giúp giảm nhiệt độ cơ thể cho nạn nhân như sau:
Làm thế nào để tự bảo vệ khi thời tiết quá nóng?
Cơ thể thường không thể cảm nhận sớm các triệu chứng liên quan đến căng thẳng nhiệt, vì vậy, việc cá nhân có ý thức tự bảo vệ trước tác động của nắng nóng là quan trọng.
Bù muối và nước: Đây là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe do nắng nóng. Làm việc trong môi trường quá nóng sẽ bị mất nước và muối qua mồ hôi, Sự mất mát này phải được bù đắp. Lượng nước đưa vào phải bằng lượng mồ hôi mất đi. Trung bình, khoảng 0,5 đến 1 lít nước mỗi giờ tùy thuộc vào độ nóng của môi trường, nên có sẵn nhiều nước mát (10-15°C) và nên uống nước mỗi 15 đến 20 phút, ngay cả khi không cảm thấy khát. Tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép từ các loại rau xanh (rau má, cần tây...), nước ép trái cây, Nước uống thể thao pha loãng một nửa với nước lọc cũng là một lựa chọn khá tốt… KHÔNG BAO GIỜ dùng nước đá, nước quá lạnh hay nước ngọt có gas hoặc đồ uống có cồn vì sẽ làm cơ thể mất nước nhiều hơn.
Một người đã thích nghi với nắng nóng sẽ mất tương đối ít muối trong mồ hôi, do đó, lượng muối trong khẩu phần ăn bình thường đủ để duy trì sự cân bằng điện giải trong dịch cơ thể. Đối với những người chưa quen với nắng nóng, đổ mồ hôi liên tục và nhiều, có thể cần thêm một ít muối trong khẩu phần. Tuy nhiên, quá nhiều muối có thể làm nhiệt độ cơ thể cao hơn và tăng cảm giác khát nước.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Để tăng cường sức chịu đựng của cơ thể, người thường xuyên làm việc trong môi trường nắng nóng, cần có một khẩu phần đủ năng lượng, cân đối và thực phẩm trong bữa ăn phải đa dạng, hướng đến các thực phẩm có nhiều nước và có khả năng bù được các chất điện giải cho cơ thể, như sử dụng các món canh thường xuyên hơn, chọn dùng những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt như các loại trái cây có nhiều nước (thanh long, dưa hấu, mận, quýt, bưởi, củ sắn ...), rau có màu xanh đậm, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Mặc trang phục mát
Mặc trang phục nhẹ, rộng, sáng màu bằng chất liệu cotton giúp da dễ chịu và làm mát cơ thể hiệu quả vì mổ hôi dễ thấm, dễ bay hơi. Khi cần mặc kín thì tránh y phục quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đừng quên đeo kính mát để bảo vệ mắt.
Nên tránh mặc quần áo không thấm nước sẽ tạo thêm gánh nặng về nhiệt vì làm giảm khả năng tản nhiệt của cơ thể.
Hạn chế tiếp xúc ánh nắng gắt:
Bạn cần sắp xếp lịch trình làm việc hợp lý. Nếu được, hãy hạn chế ra ngoài vào thời gian nắng nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 14 giờ), hãy bắt đầu ngày làm việc sớm hơn vào buổi sáng và kết thúc muộn hơn một chút vào buổi chiều để vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao trong ngày. Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tìm bóng râm hoặc hiên nhà để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khỏe.