Bệnh lý khác / 01.04.2021
Chị N.T.H (35 tuổi, nhân viên văn phòng), người gầy ốm tá hỏa khi bác sĩ kết luận mình bị máu nhiễm mỡ trong lần khám sức khỏe tổng quát gần đây. Theo lời bác sĩ, máu nhiễm mỡ không còn là căn bệnh của người già, người thừa cân, béo phì mà ngay cả người gầy ốm cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu như không chú ý chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.
Người gầy ốm dù không ăn mỡ vẫn có thể mắc bệnh máu nhiễm mỡ do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý.
TỔNG QUAN: BỆNH MÁU NHIỄM MỠ HAY CÒN GỌI LÀ BỆNH RỐI LOẠN LIPID-MÁU
Máu nhiễm mỡ là căn bệnh còn được gọi là rối loạn chuyển hóa lipid-máu hay rối loạn mỡ máu. Bình thường trong máu có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bằng chỉ số xét nghiệm cholesterol toàn phần, HDL–Cholesterol (cholesterol tốt), LDL–Cholesterol (cholesterol xấu) và triglyceride.
Lượng cholesterol toàn phần (bao gồm cholesterol tốt và cholesterol xấu) trong cơ thể bình thường nhỏ hơn 5,2 mmol/l. Tình trạng rối loạn lipid máu xảy ra khi 1 trong 4 chỉ số sau cao hơn mức cho phép như: cholesterol toàn phần PHP > 5,2 mmol/l, HDL–Cholesterol < 1,3 mmol/l hoặc LDL–Cholesterol > 3,3 mmol/l; triglycerid huyết thanh > 2,2 mmol/l
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BỆNH MÁU NHIỄM MỠ
Từ trường hợp của chị N.T.H thực tế cho thấy dù người không ăn nhiều mỡ, người gầy ốm vẫn bị rối loạn mỡ máu. Điều tưởng chừng gây vô lý này là do cơ thể chúng ta nhận được cholesterol từ hai nguồn: 75% do gan tự tổng hợp, phần còn lại là từ thực phẩm chứa nhiều cholesterol mà chúng ta ăn hàng ngày như: thịt đỏ, thịt nhiều mỡ, ăn quá nhiều trứng, sữa bò nguyên kem (hoặc sữa béo), nội tạng động vật… Bên cạnh đó chế độ ăn nhiều chất béo từ các món rán, nướng, chế độ ăn quá dư thừa năng lượng cũng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn mỡ máu. Hoặc chế độ ăn quá ít chất xơ, ít rau xanh, quả chín… làm cho cơ thể không đào thải được lượng cholesterol dư thừa. Ngoài ra, khi cơ thể suy yếu (do căng thẳng, lo âu, ăn uống, sinh hoạt không điều độ, dùng nhiều rượu bia, thuốc lá…), lối sống ít vận động, tế bào giảm hoạt động cũng gây hạn chế chuyển hóa cholesterol.
PHÒNG, CHỮA BỆNH MÁU NHIỄM MỠ BẰNG CÁCH DÙNG ĐẬU NÀNH
Bệnh máu nhiễm mỡ liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của bạn. Có thể kiểm soát bệnh máu nhiễm mỡ nếu chú ý vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh và luyện tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Khi bị máu nhiễm mỡ, người bệnh nên tiết chế lượng thức ăn chứa nhiều cholesterol như thịt đỏ, bơ, trứng, phô mai, sữa béo, nội tạng động vật. Nên ăn ít nhất 500g rau xanh mỗi ngày, thực phẩm không chứa cholesterol và có tác dụng giảm cholesterol máu như đậu nành.
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, những người thường xuyên dùng đậu nành có lượng cholesterol xấu (LDL-Cholesterol) trong máu thấp hơn, đồng thời lượng cholesterol tốt (HDL-Cholesterol) cao hơn những người khác. Theo FDA, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ, 25g đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm lượng cholesterol xấu từ 5% đến 6%.
Đậu nành, thực phẩm phải có trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Đậu nành có chất lượng đạm tương đương đạm động vật, chứa nhiều vitamin và khoáng chất (omega-3, axit alpha-linolenic, vitamin E, thiamin, riboflavin, niacin, B-6, acid pantothenic, choline, magiê, phốt pho, kali, kẽm, đồng, mangan) đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể. Người mắc bệnh máu nhiễm mỡ có thể sử dụng thường xuyên đạm đậu nành để thay thế đạm động vật hàng ngày nếu muốn.
Theo tiến sĩ James Anderson, Đại học Y khoa Kentucky (Hoa Kỳ), người có mỡ máu rất cao nếu dùng đậu nành thay thịt sẽ làm giảm mỡ máu 19,6% mà không phải dùng thuốc hạ mỡ máu. Theo ông, nếu mỗi ngày ăn 40g đậu nành hay các chế phẩm của nó trong vòng ít nhất 1 tháng thì lượng cholesterol sẽ giảm được khoảng 93%.
Đậu nành là xu hướng dinh dưỡng lành của thế kỷ 21, bổ sung ít nhất 25g đạm đậu nành mỗi ngày là cách đơn giản để phòng ngừa và cải thiện tình trạng máu nhiễm mỡ, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
PGS TS Nguyễn Thị Lâm
Viện Phó Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia
Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 19 – Bệnh viện Đại học
Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh’