Dinh dưỡng sau phẩu thuật

Bệnh lý khác / 24.03.2021

Với bệnh nhân phẫu thuật, cơ thể phải trải qua một biến cố lớn về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ, đặc biệt là dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng, đảm bảo bệnh nhân có đủ sức để vượt qua sự thiếu hụt do bệnh lý, do mất máu, dịch thể, stress... Cho dù cuộc phẫu thuật đã thành công thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân sau phẫu thuật đóng vai trò quyết định sự phục hồi của người bệnh hay không, và phục hồi nhanh hay chậm.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng kém thì có tỉ lệ nhiễm khuẩn tăng, tỉ lệ tử vong tăng và gặp nhiều biến chứng sau phẫu thuật hơn so với những bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng tốt. 

Chuẩn bị trước phẫu thuật.
Trong các trường hợp phẫu thuật cấp cứu thì vấn đề dinh dưỡng chỉ đặt ra sau phẫu thuật, còn các trường hợp mổ chương trình thì cần có sự chuẩn bị từ trước về tinh thần, thuốc men, đặc biệt là về dinh dưỡng cả trước phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật và sau phẫu thuật.
Trước phẫu thuật, tùy thuộc vào tính chất bệnh cấp cứu hoặc không và phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, chế độ ăn cần tăng cường chất dinh dưỡng cho người bệnh đủ sức chịu đựng phẫu thuật. Nguyên tắc là cần tăng cường protein, vì sau phẫu thật thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, vết thương, do viêm… và nhiều năng lượng, phải tăng thêm từ 10- 50 % và đôi khi phải tăng tới 100 % so với bình thường. Một số bệnh nhân có các bệnh lý đặc biệt thì tùy từng bệnh mà cần có chế độ dinh dưỡng đặc trưng cho bệnh đó theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật, chú ý các thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng dễ hấp thu, đảm bảo giảm bớt cặn bã trong ruột, giảm vi trùng đường ruột nhất là khi phẫu thuật đường tiêu hoá, tránh nôn khi gây mê.

 

Ảnh: vienyhocungdung.vn

Dinh dưỡng sau khi phẫu thuật
Ngoài việc chăm sóc và theo dõi về y tế như theo dõi các chỉ số sinh tồn mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tinh thần, thái độ của bệnh nhân, lắng nghe những than phiền, khó chịu của họ, theo dõi lượng dịch truyền vào, lượng nước mất đi qua nước tiểu, dịch dẫn lưu, dịch sond dạ dày, dịch sonde hậu môn, …và tập vận động, theo dõi thời điểm đánh hơi…thì việc chăm sóc về dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng. Cần một chế độ ăn đặc biệt phù hợp với bệnh nhân, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Tùy theo loại phẫu thuật mà việc nuôi dưỡng sẽ khác nhau.
Bệnh nhân không có can thiệp phẫu thuật lên ống tiêu hóa (mổ nội soi thăm dò, sinh thiết, cắt ruột thừa viêm nội soi, mổ cắt u tuyến thượng thận nội soi, mổ tử cung, buồng trứng …), thông thường dinh dưỡng qua dịch truyền chỉ cần trong ngày đầu sau mổ, sau đó nên cho ăn sớm, cho uống sữa, nước cháo ngay sau mổ 1 ngày, cho ăn uống như bình thường sau đánh hơi được, tăng dần số lượng và mức độ đặc của đồ ăn, ăn chất dễ tiêu, dễ hấp thu. 
Bệnh nhân có can thiệp lên đường tiêu hóa (mổ cắt dạ dày, cắt tạo hình thực quản, cắt đoạn ruột, đại trực tràng, khâu các lỗ thủng, vết thương của ống tiêu hóa…), dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch ngay sau mổ, sau khi đánh hơi lúc nào thì bắt đầu cho ăn nước cháo, nước sữa với số lượng tăng dần, giảm dần dịch truyền, cho ăn cháo, sữa, và tăng dần số lượng, chất lượng, mức độ rắn của đồ ăn.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho những bệnh nhân này là khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu từ 500 Kcal và 30 gam protein, sau đó cứ 1 - 2 ngày tăng thêm 250 - 500 Kcal cho đến khi đạt 2000 Kcal/ ngày. Các loại thức ăn cần đảm bảo đầy đủ thành phần dinh dưỡng protid, lipid, glucid, vitamin và khoáng chất, cần nhuận tràng, dễ tiêu như khoai, cơm, cháo, củ quả nhiều chất xơ tinh bột, nên xay mịn. Hạn chế tối đa đồ ăn, hoa quả có chất xơ rắn, khó tiêu như măng, hồng xiêm, ổi, các loại xương băm nhỏ… Uống đủ nước, có thể nước đun sôi để nguội, nước sinh tố, không dùng đồ uống có gaz, cồn… Lựa chọn đồ ăn phù hợp sở thích của bệnh nhân như cháo, sữa dinh dưỡng sản xuất sẵn, tự nấu…

Việc sử dụng chất dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật, nếu bệnh nhân tự ăn được thì cho ăn bình thường thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, giàu năng lượng, giàu dưỡng chất. Nếu bệnh nhân nặng chưa tự ăn uống được thì người nhà hoặc nhân viên y tế giúp bệnh nhân ăn qua ống thông dạ dày bằng các dung dịch giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa cao năng lượng…  
Giai đoạn phục hồi, khi vết mổ đã gần liền, sức khỏe bệnh nhân đã khá hơn, vẫn cần duy trì chế độ ăn cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng, giúp vết thương mau lành. Một chế độ ăn nhiều protein và calo, protein có thể tới 120 - 150g/ ngày và năng lượng có thể tới 2500 kcal - 3000 kcal/ ngày. Nên chia thành nhiều bữa, 5 - 6 bữa/ ngày hoặc hơn, dùng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ để cung cấp chất đạm và các loại hoa quả để tăng cường vitamin C và vitamin nhóm B.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Người viết: admin

Theo dõi

028.39.700.886