Táo bón - hậu quả và cách phòng tránh

Bệnh lý khác / 17.07.2021

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu. Trong điều kiện ăn uống bình thường, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như ít đi cầu, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó khăn khi đi tiêu. Bệnh táo bón trên lâm sàng thấy rất nhiều, nhất là ở người già và người béo.

Bệnh táo bón trên lâm sàng thấy rất nhiều, nhất là ở người già và người béo. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng táo bón trong giới thanh niên, đặc biệt là những người làm việc nơi công sở cũng đang ngày càng tăng mạnh, số người bị táo bón ngày càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực công việc nặng nề, tâm lý căng thẳng quá mức, cộng thêm ít vận động thể dục thể thao và phải ngồi lâu trong phòng làm việc. Táo bón lâu ngày là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ, sa hậu môn.

            Hậu quả
Dù bất cứ nguyên nhân nào gây táo bón thì chỉ trong một thời gian sẽ làm người bệnh mệt mỏi, uể oải, lờ đờ, khó chịu, bực bội trong người, ăn ngủ không ngon, sức khỏe sa sút… đó là do phân và khí đọng lại trong ruột, không bài tiết ra ngoài được làm đầy bụng, khó chịu, buồn nôn…
Trẻ em táo bón thường kèm theo biếng ăn vì không cảm thấy đói. Người lớn táo bón cũng không muốn ăn vì ăn vào càng thấy tức bụng, khó chịu. Phân tồn trữ lâu ngày ở ruột có thể gây trướng bụng hoặc tắc nghẽn ruột do phân.
Các chất độc trong phân như phenol, ammonia, indol,… được tạo ra trong quá trình thức ăn được tiêu hóa và bị phân hủy bỡi các vi khuẩn yếm khí. Một khi bị tích tụ lâu trong ruột, các chất này được hấp thu vào máu rồi lan truyền khắp cơ thể dẫn đến tình trạng bị nhiễm độc mãn tính. Gây nên tình trạng kích thích thần kinh làm ảnh hưởng tới tâm tính và tinh thần người bệnh, khiến người bệnh lúc nào cũng cảm thấy bực bội, khó chịu. Nhiễm độc mãn tính còn làm cho da người bệnh trở nên xanh xao, môi tái, móng tay lợt. Nếu chị em bị táo bón lâu ngày sẽ làm mất đi vẻ đẹp của da.
Táo bón làm cho phân không tống ra được, nước và chất khoáng lại đi vào máu, làm phân ngày càng cứng thêm, cục  phân rắn làm cho cơ thắt hậu môn không thể đẩy phân qua được. Nếu cố gắng rặn sẽ gây rách hậu môn, gây chảy máu, trĩ…
            Táo bón ở người già khiến họ đã yếu lại càng thêm yếu và làm cho các bệnh mãn tính nếu có sẽ càng nặng hơn. Người bệnh cao huyết áp, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, nếu bị táo bón rất nguy hiểm vì khi đi cầu phải rặn nhiều, tăng áp lực máu, tăng nguy cơ tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não.
            Táo bón lâu ngày còn có nguy cơ gây ung thư trực tràng. Do tính chất phân của người táo bón khô và cứng nên có đậm độ các độc tố và chất gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs) nhiều hơn so với phân của người bình thường. Thời gian phân nằm lâu trong trực tràng làm tăng thời gian tiếp xúc với niêm mạc trực tràng cũng là nguyên nhân dễ gây ung thư.
            Táo bón dài ngày làm ruột già bị suy yếu, dãn ra và có nguy cơ thủng ruột. Táo bón cũng làm tăng áp lực trong ruột khiến cho người bệnh còn dễ viêm ruột thừa hơn.
            Nhìn chung rất nhiều người bị táo bón nhưng đôi khi táo bón lại được xem là một hiện tượng đơn giản và ít được quan tâm. Tuy nhiên, nếu táo bón kéo dài rất bất lợi cho sức khỏe và chúng ta không nên coi thường.

Nên ăn gì khi bị táo bón
                                                                                                           Ảnh minh họa: Internet


            Làm gì khi bị táo bón?
Để phòng tránh cũng như điều trị táo bón, cần chú ý chế độ ăn uống, vận động hợp lý.
Về ăn uống
- Ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ như các loại rau và hoa quả tươi,... các chất xơ hòa tan (có trong rau cải, trái cây, các loại hạt…) làm phân xốp, mềm ngăn ngừa táo bón. Chất xơ giúp làm khối lượng phân tăng lên đáng kể sẽ kích thích vận động đường ruột, đồng thời giữ nước trong phân, tránh phân quá khô. Tăng cường các thức ăn giàu chất xơ và nhiều vitamin như các loại hạt đậu, khoai lang, khoai tây, đu đủ, chuối, các  loại cải củ, cải thảo, bầu, giá đỗ … vừa tăng cường dưỡng chất cho cơ thể lại có tính chất nhuận tràng, có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, rất cần thiết trong phòng và điều trị táo bón.
- Uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày giúp làm mềm phân.
- Không nên sử dụng các loại thực phẩm có tính kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê…
Về chế độ sinh hoạt
- Luyện tập thể dục, vận động đều đặn là phương thuốc hữu hiệu giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón.
- Nên ngủ đủ giấc, khoảng 8 tiếng đồng hồ/ngày, vì thiếu ngủ cũng chính là một trong số những thủ phạm gây nên căn bệnh táo bón.
- Tạo thói quen đi tiêu đều đặn. Chú ý đi đại tiện kịp thời, không nên nhịn lâu để đề phòng táo bón. Mặc dù phản xạ đi ngoài có thể điều chỉnh được theo ý muốn. Có nghĩa là một người bình thường có thể ngăn cảm giác thúc bách muốn đi tiêu. Tuy vậy, nếu ngăn cảm giác đi ngoài thường xuyên sẽ dẫn đến mất cảm giác thúc bách và dẫn đến táo bón.
- Với những người đã bị táo bón, đặc biệt mắc bệnh táo bón mãn tính, việc duy trì chế độ ăn đảm bảo đủ chất xơ, uống đủ nước, luyện tập vận động hàng ngày là một phương pháp điều trị hữu hiệu cùng với các chỉ định thuốc men của bác sĩ. Bên cạnh đó, có thể kết hợp sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ phòng ngừa và điều trị táo bón. Việc bổ sung các chất xơ tự nhiên - inulin trong các sản phẩm này giúp cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, kích thích miễn dịch hệ tiêu hóa cũng như ngăn ngừa táo bón.
Nói chung việc phối hợp hài hòa các các yếu tố dinh dưỡng, vận động, chế độ sinh hoạt hàng ngày sẽ cải thiện tình trạng táo bón cũng như hạn chế khả năng mắc táo bón trở lại.

                                            BS CK1. Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu iDinh dưỡng TPHCM
 


 

Người viết: admin

Theo dõi