Dinh dưỡng và bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Tăng huyết áp, tim mạch / 28.04.2021

Ở người cao tuổi, các hoạt động chuyển hóa và dinh dưỡng có nhiều biến đổi theo chiều hướng suy yếu tất cả các cơ quan như tiêu hóa kém, thận giảm độ thanh lọc, hệ thần kinh suy yếu... Đặc biệt người lớn tuổi rất dễ mắc các bệnh tim mạch như thiểu năng tuần hoàn não và tim, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sống của người cao tuổi.

Dinh dưỡng ở người cao tuổi ngoài việc chú ý phù hợp với sự suy yếu của các cơ quan tiêu hóa, hấp thu còn hết sức lưu tâm các bệnh nền hay gặp ở độ tuổi này, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, giúp người cao tuổi ổn định sức khỏe để sống vui, sống khỏe.

 
Tránh ăn quá no
 
Người ở độ tuổi 65 lưới tuần hoàn ở hệ thống gan giảm 40 - 45% so với người 25 tuổi. Tính đàn hồi ở thành mạch giảm, lòng động mạch bị hẹp lại, tăng sức cản dòng máu, giảm cung cấp máu đến các nơi, đòi hỏi tim phải tăng sức co bóp, trong khi hệ tuần hoàn nuôi cơ tim cũng bị giảm gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng của cơ tim. Việc ăn quá no tạo một sự căng thẳng, một gánh nặng quá tải cho hệ tuần hoàn đang suy giảm của người bệnh, bản thân dạ dày căng sau bữa ăn no cũng cản trở về mặt cơ học lên hoạt động tuần hoàn, hô hấp... có thể gây ra những hậu quả lớn ở người đang mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa ăn nhiều, ăn quá no còn gây béo phì, do đó nên ăn vừa phải, chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no trong một bữa.
 
Giảm đường và muối trong bữa ăn
 
Nhiều nghiên cứu cho thấy đường có liên quan đến sự phát triển bệnh xơ vữa động mạch do gia tăng tích tụ mỡ, béo phì, tăng triglyceride máu... cũng như muối ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim. Do đó, người cao tuổi, đặc biệt người mắc bệnh tim mạch cần phải hạn chế muối và đường trong khẩu phần ăn. Không ăn nhiều bánh, kẹo, nước ngọt,.. không ăn các loại khô, mắm mặn, dưa muối... Người cao tuổi mỗi ngày không nên ăn quá 1 muổng cà phê muối (khoảng 6g), nếu đã mắc bệnh tim mạch thì không quá ½ muổng cà phê (3g) hoặc ít hơn tùy mức độ, giai đoạn bệnh.

                                                                                                                    Ảnh minh họa: Internet
Ăn nhiều đậu, mè, đậu phộng và cá
 
Người có tuổi hấp thu đạm giảm, khả năng tổng hợp đạm ở gan cũng kém hơn lúc trẻ nên dễ xảy ra thiếu đạm. Đậu, mẻ, đậu phộng nhiều đạm dễ hấp thu và chứa chất béo tốt cho cơ thể, trong đó có các acid béo không no như linoleic rất quan trọng trong phòng chống tăng cholesterol. Người cao tuổi nên ăn nhiều món ăn từ đậu tương như tàu hũ, tương, sữa đậu nành, tào phớ... nên ăn thêm mè, đậu phộng và ăn cá tối thiểu 3 bữa mỗi tuần. Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, ngừ... nhiều đạm và acid béo không no (omega 3) tốt cho hệ tim mạch, dầu cá có tác dụng giảm triglycerid, giảm nguy cơ đột tử do tim.
 
Hạn chế thức ăn nhiều chất béo
 
Sử dụng thịt cá nạc, loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn nước xào, nước ninh xương ống, nước luộc thịt... Không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm, phủ tạng động vật... Nên chế biến thức ăn bằng hấp luộc hơn là chiên, quay... dùng dầu thực vật, nhưng cũng phải hạn chế. Không ăn quá 2-3 quả trứng trong một tuần và phải cách ngày. 
 
Ăn nhiều rau quả tươi, thức ăn giàu chất xơ
 
Ở người cao tuổi sức co bóp dạ dày giảm, nhu động ruột giảm, dẫn đến nguy cơ táo bón. Khi táo bón kéo dài, vi sinh vật gây thối rữa phát triển, tạo nhiều hơi trong ruột gây đầy bụng, cơ hoành bị đẩy lên gây khó thở, trở ngại cho hoạt động của cơ tim, chưa kể việc rặn đi cầu khi táo bón là một việc gắng sức ở người bệnh, có thể gây đột quỵ rất nguy hiểm. Do đó, cần ăn nhiều rau xanh, củ quả để kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, đồng thời cung cấp nhiều vitamin khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng tăng thải cholesterol thừa trong cơ thể, giúp phòng ngừa và cải thiện xơ vữa động mạch.
 
Uống sữa mỗi ngày
 
Sữa là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, dễ sử dụng, thích hợp cho người cao tuổi, người bệnh, nên chọn các loại sữa không chứa cholesterol, được bổ sung các dưỡng chất tốt cho hệ tim mạch.
 
Hạn chế rượu, bia, thuốc lá
 
Với hệ tim mạch, rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim, gây suy tim. 
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh mạch vành, hút thuốc lá không những gây tổn thương màng trong các động mạch mà còn gây tăng nhịp tim và huyết áp, tăng nhu cầu oxy của các cơ tim. Các oxyt cacbon do hút thuốc lá sinh ra làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, hút thuốc lá còn là nguồn sản sinh ra các gốc tự do, tăng độ kết dính của tiểu cầu và làm giảm các lipoprotein có lợi (HDL - High Density Lipoprotein)./.
 
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Theo dõi