Cách nào giúp trẻ hết biếng ăn?

Suy dinh dưỡng - Biếng ăn / 26.02.2021

Tình trạng biếng ăn hiện nay đang khá phổ biến và là mối quan tâm lo lắng của tất cả các ông bố, bà mẹ. Có rất nhiều nguyên nhân gây biếng ăn và cách trị chắc chắn là phải tìm ra nguyên nhân để can thiệp rồi. Nhưng biếng ăn ngoài việc gây ra mất thời gian, công sức, căng thẳng cho cả mẹ và con, còn những hậu quả gì đến sự phát triển của bé?


Hậu quả của biếng ăn.

Biếng ăn thường gây ra tình trạng thiếu năng lượng, thiếu dưỡng chất do trẻ ăn được ít so với nhu cầu. Trẻ sẽ chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến nguy cơ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển tinh thần, trẻ dễ rối loạn nhận thức, cảm xúc và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều năm sau nếu không được khắc phục kịp thời. Việc thiếu dưỡng chất nhất là các vitamin, khoáng chất làm trẻ mệt mỏi, càng biếng ăn hơn, và càng biếng ăn sẽ càng thiếu chất, càng suy dinh dưỡng - tạo nên vòng lẩn quẩn bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.

Làm gì khi trẻ biếng ăn

Ngoài một số nhỏ các trường hợp biếng ăn do bệnh lý đặc biệt cần phải khám và điều trị dứt điểm cho bé, đa phần còn lại là biếng ăn do tâm lý và những giải pháp sau có thể giúp bạn. 

Sở thích ăn uống của mỗi trẻ luôn khác nhau, có trẻ chỉ thích ăn món màu đỏ như cà chua, bí, khoai lang, mà không thích thức ăn màu xanh; có trẻ ghét các thức ăn dạng mềm nhão như bột, cháo; có trẻ thích ăn những món có nước như bún, phở, mì, cháo, cơm chan canh…vậy mẹ phải làm sao cho đúng ý bé mà vẫn đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cho con từ bột, gạo, mì, thịt, cá, trứng, sữa, rau, đậu, trái cây…? Thật khó nhưng không phải là hết cách, mẹ phải thật khéo léo, bé không ăn thịt thì thay vào đó phần tôm, cá hay đậu…, không ăn cơm thì thay vào đó bằng bánh mì hay bún, phở…, bé không ăn rau thì thay vào đó bằng phần trái cây…

Hãy thay đổi món ăn thường xuyên cho trẻ, hàng tuần nên cho bé thử những món mới để bé khám phá thêm hương vị mới. Có những món lúc 2 tuổi bé không thích ăn nhưng khi 3 tuổi lại là món khoái khẩu, do đó thỉnh thoảng phải dụ trẻ ăn những món mà trước đó trẻ không thích.

Không biến bữa ăn thành một cuộc trao đổi, “con ăn hết chén cơm thì mẹ cho kẹo” hoặc “mẹ sẽ mua ô tô”, “mẹ sẽ mua búp bê”… điều này sẽ tạo cho trẻ thói quen ra điều kiện yêu sách cha mẹ không tốt cho cả cha mẹ và bé về sau.

Hãy chuẩn bị cho trẻ những bữa ăn thoải mái, bé vui bé sẽ ăn ngoan. Làm những món ăn hấp dẫn, ngon miệng, nhiều màu sắc, kể cho bé nghe một câu chuyện vui về món ăn đó, rủ bé cùng soạn bàn ăn nào, bé ngồi vào đâu, ba mẹ ngồi vào đâu, các thành viên khác nữa … dọn lên bàn những món gì nào, thuyết minh món ăn thật hấp dẫn cho bé, bé sẽ thấy bữa ăn thật hứng thú là những cách giúp trẻ ăn ngon.

Đừng bao giờ ép bé ăn, vì càng bị ép buộc trẻ càng tỏ ra chống đối để thể hiện cái “tôi” của mình, bữa ăn càng trở nên ám ảnh và bé sẽ ngày càng sợ bữa ăn hơn, bé sẽ biếng ăn thật sự rồi lại rơi vào vòng lẩn quẩn của biếng ăn, thiếu chất, suy dinh dưỡng.
Tuyệt đối không la mắng, đánh đập trẻ vì như vậy sẽ làm trẻ sợ, có thể sẽ nuốt thức ăn ngay lúc đó nhưng sẽ bị ám ảnh vào những bữa sau, trẻ càng biếng ăn hơn.

Việc trị tình trạng biếng ăn cần thời gian dài và sự kiên nhẫn của gia đình, nhất là biếng ăn tâm lý. Bên cạnh đó, đừng quên cho trẻ uống sữa và nên chọn các loại sữa đặc biệt dành cho trẻ biếng ăn, để giúp trẻ nhận đầy đủ dưỡng chất với các thành phần dinh dưỡng cân đối, năng lượng cao, chỉ cần 2 - 3 ly là đủ thay thế bữa ăn của bé, ngoài ra trong các loại sữa này còn chứa những chất có lợi cho việc tiêu hóa, hấp thu và kích thích trẻ ăn uống tốt hơn. 
 

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

 

 

Người viết: admin

Theo dõi