Vì sao bé cứ lắc đầu “chả” ăn?

Suy dinh dưỡng - Biếng ăn / 26.02.2021

Một trong những mối quan tâm lo lắng hiện nay của các gia đình đó là thói quen ăn uống của con mình. Bé cứ ngồi nhơi nhơi, rề rề, ẹo qua, ẹo lại, ngậm thức ăn không nuốt, các ông bố bà mẹ mất cả giờ đồng hồ để dỗ dành mà chén thức ăn chẳng vơi đi, cơm canh nguội ngắt hết cả ngon…họ cảm thấy bất lực, bực bội, lo lắng vì con biếng ăn mà không biết phải làm gì.

Biếng ăn bệnh lý và biếng ăn sinh lý

Có rất nhiều nguyên nhân làm bé biếng ăn và việc xác định nguyên nhân này hết sức quan trọng để tìm giải pháp khắc phục. 
Trước hết cần phải lưu ý phát hiện các nguyên nhân biếng ăn bệnh lý như: nhiễm trùng do vi trùng hay vi rút xâm nhập;  hoặc trẻ có bệnh về răng, miệng, mũi, họng; hoặc do rối loạn tiêu hóa; hoặc do thiếu vitamin, khoáng chất …  làm trẻ mệt mỏi, sốt, ho…và đương nhiên sẽ bỏ ăn, bỏ bú, sụt cân… Việc cần thiết là điều trị dứt điểm bệnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, trẻ sẽ nhanh chóng phục hồi bắt kịp đà tăng trưởng.
 
Một nguyên nhân khác là biếng ăn do thuốc, do uống kháng sinh, sử dụng thuốc đặc trị kéo dài hoặc tự ý sử dụng thuốc bổ liều cao kéo dài.
 
Bé cũng sẽ có một số giai đoạn biếng ăn sinh lý trùng vào các thời điểm mọc răng, biết bò, biết đi… bé tự dưng ăn ít trong vài ngày nhưng vẫn vui vẻ chơi đùa, sau đó bé tự ăn lại bình thường. quan trọng là cha mẹ phải hiểu những điều này không nên ép trẻ ăn quá mức lại gây ra biếng ăn tâm lý.

Biếng ăn tâm lý

Tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất là biếng ăn tâm lý, do cha mẹ không hiểu được tâm sinh lý của bé. Do cuộc sống bận rộn, căng thẳng, không có nhiều thời gian nên bữa ăn của bé không thoải mái, không có thời gian bé vừa ăn vừa chơi để khám phá sự tuyệt diệu của thức ăn bằng tất cả các giác quan: vị giác, khứu giác, xúc giác, được cầm, bốc thức ăn hay thị giác chén dĩa hình thù ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc… Bé không chịu ăn vì các ám ảnh về không khí của bữa ăn, loại thức ăn, mùi vị thức ăn… hay đơn giản chỉ là một biểu hiện tâm lý để chứng tỏ chính mình, như là một “vũ khí” chống lại người lớn trước sự nhồi nhét hay để đòi hỏi một nhu cầu nào khác mà không được đáp ứng. 

Những sai lầm dẫn đến biếng ăn

Ngay từ giai đoạn bú sữa một số người pha sữa cho bé đặc hơn, pha sữa với nước hầm xương, nước cơm, bột vì nghĩ sẽ nhiều dưỡng chất hơn nhưng lại làm bé khó tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến không chịu bú.

Kế tiếp là giai đoạn ăn dặm cũng rất quan trọng, ăn quá sớm (trước 4 tháng tuổi) dễ làm rối loạn tiêu hóa. Chế biến thức ăn theo cách cổ điển của ông bà xưa ngày nào cũng hầm xương, khoai tây, cà rốt, củ dền…thành công thức đơn điệu mỗi ngày làm cho bé ngán, mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn hoặc các bữa ăn chỉ hầm lấy nước thịt, rau củ mà không có xác dẫn đến bé bị thiếu những dưỡng chất quan trọng như đạm, lysine, kẽm… đều gây biếng ăn. Hoặc cho bé ăn cơm quá sớm lúc 10 - 12 tháng khi bé chưa đủ răng nhai làm bé khó tiêu hóa và ăn không được nhiều, một số gia đình lại xay nhuyễn thức ăn cho đến khi trẻ 2 - 3 tuổi làm bé không có phản xạ nhai để thưởng thức các loại thức ăn khác nhau, chỉ biết nuốt thức ăn như bổn phận.

Bên cạnh đó, việc kiêng cữ quá mức khi trẻ bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, sốt… chỉ cho ăn cháo trắng, kiêng dầu, mỡ, thịt cá làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng sau bệnh, chậm hồi phục gây biếng ăn kéo dài.

Đồng thời việc cho trẻ sử dụng trước bữa ăn các loại thức ăn vặt như bánh kẹo, chocolate, kem, nước ngọt, thức ăn nhanh… làm bé ngang bụng, càng biếng ăn hơn.

Bé nhà bạn có thật sự biếng ăn không?

Thực tế có một số các trường hợp bé biếng ăn do cha mẹ cảm thấy hơn là biếng ăn thật sự. Bé vẫn phát triển cân nặng chiều cao đều đặn, vẫn khỏe mạnh và vui chơi, như vậy là bữa ăn đã đủ nhu cầu, dù số lượng thức ăn không bằng các bé khác cùng lứa tuổi, trong khi mong muốn của bố mẹ là con ăn nhiều hơn nữa, tăng cân nhanh hơn nữa nên cố ép trẻ ăn vô tình làm trẻ trở nên biếng ăn thật sự.

Hãy lưu ý rằng mỗi cá thể là khác nhau, nhu cầu cơ thể cũng khác nhau và sự tăng cân cũng không trẻ nào giống trẻ nào, miễn là bé vẫn tăng cân đều, khỏe mạnh, lanh lợi, hoạt bát, vui vẻ chứng tỏ bé đã nhận đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết.

Tóm lại vì sao con “chả” ăn

  • Do bầu không khí ăn uống căng thẳng, đầy bạo lực;
  • Thời điểm cho ăn dặm không phù hợp;
  • Do cách chế biến thức ăn sai lầm, đơn điệu;
  • Do con sắp bệnh hay đang bệnh, con đang mọc răng, con chuẩn bị tập bò, tập đi; và
  • Do dùng thuốc bổ quá liều, hoặc do cha mẹ lo con… biếng ăn trong khi con chẳng biếng ăn.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
 

 

Người viết: admin

Theo dõi