Dinh Dưỡng Phòng Tránh Bệnh Loãng Xương

Cơ xương khớp / 21.04.2022

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương dẫn đến tổn thương cả về khối lượng xương và chất lượng xương làm tăng nguy cơ gãy xương.

Bệnh loãng xương phổ biến ở nữ, những người lớn tuổi, người có khối lượng xương thấp, trẻ em kém phát triển thể chất hoặc có bệnh còi xương suy dinh dưỡng lúc nhỏ. Ngoài ra chế độ ăn uống sinh hoạt cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ loãng xương như chế độ ăn thiếu đạm, thiếu canxi, thiếu vitamin D, người có thói quen ăn mặn, uống nhiều rượu bia / cà phê, người có thói quen hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực hoặc ít hoạt động ngoài trời. Một số bệnh lý nội tiết như  Thiểu năng các tuyến sinh dục, Cường tuyến giáp, Cường tuyến cận giáp, Cường tuyến vỏ thượng thận, Suy thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo, các bệnh xương khớp mạn tính cũng liên quan đến tình trạng loãng xương hoặc do sử dụng dài hạn một số thuốc: chống động kinh, thuốc chống đông và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid.

Tìm Hiểu Về Bệnh Loãng Xương | Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long
                                                                                                                         Ảnh: Internet


Loãng xương là căn bệnh thầm lặng ít có triệu chứng khi triệu chứng rõ thì mật độ xương đã bị giảm 30%  rồi. Các biểu hiện thường gặp khi bị loãng xương là đau xương hoặc đau lưng cấp tính / mạn tính, cột sống bị biến dạng như gù, vẹo cột sống, chiều cao bị giảm, có khi bị đau ngực khó thở hoặc bị khó tiêu. Cũng có khi phát hiện bị loãng xương sau khi bị gãy xương do chấn thương hoặc do té, vị trí xương dễ bị gãy là đầu dưới của xương cổ tay, cổ xương đùi, các đốt sống (lưng và thắt lưng).

Với phương pháp Siêu âm định lượng giúp chúng ta phát hiện sớm tình trạng loãng xương có thể siêu âm ở các vị trí 1/3 dưới của xương quay, ở ngón tay, ở gót chân hoặc ở giữa thân xương chày. Nếu kết quả đo được:
- T score   ≥  -1 SD là Bình thường
- T score  trong khoảng   (- 2,5 SD đến - 1 SD):  Thiếu xương:
-  T score  ≤ - 2,5 SD:  Loãng xương:

Bệnh loãng xương rất khó điều trị. Mục tiêu điều trị bệnh loãng xương chỉ giữ cho mật độ xương đứng yên ở đó hoặc cải thiện khối xương và sức mạnh của xương, phòng ngừa bị gãy xương, giúp giảm đau, giảm biến dạng, giảm nguy cơ té ngã gãy xương và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều trị chỉ có thể làm ngừng tiến triển của loãng xương nhưng không hồi phục được những tổn hại trước đó. Vì vậy tốt nhất chúng ta nên có các biện pháp  phòng tránh bị loãng xương

Muốn phòng tránh loãng xương cần có một  chế độ dinh dưỡng cân bằng về các dưỡng chất chú ý cung cấp đầy đủ lượng đạm (như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa) đủ nhu cầu về canxi và vitamin D ngay từ khi còn bé và kéo dài suốt đời cần đạt được khối lượng xương đỉnh ngay từ khi còn trẻ. Nguồn cung cấp canxi và vitamin D tốt nhất là từ thực phẩm. Khi khẩu phần ăn hàng ngày không đủ lượng canxi – vitamin D theo nhu cầu, chúng ta cần bổ sung bằng các dạng chế phẩm có chứa canxi và vitamin D, hoặc vitamin D3 đối với người lớn tuổi.

Các thực phẩm giàu can xi bao gồm các loại sữa ( ít béo hoặc không béo); sữa chua, cua đồng, tôm tép, cá các loại, nghêu, sò, ốc, rạm ….

Các thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi (100g cung cấp 600 – 1000 IU), cá thu, cá trích, cá ngừ (100g cung cấp 200 – 300 IU), một lòng đỏ trứng cung cấp 20 IU, một cốc sữa, nước cam, sữa chua, bơ, ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng cung cấp 100 IU. Nguồn vitamin D còn được cung cấp bằng cách hấp phụ ánh nắng mặt trời qua da của chúng ta.
Nhu cầu canxi và vitamin D của người VN theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2016) là:

Nhóm tuổi Nhu cầu Canxi
(mg)
Nhu cầu Vitamin D (mcg)
(1mcg = 40 UI)
0 – 5  tháng 300 10
6 – 11  tháng 400 10
1 – 2  tuổi 500 15
3 – 5   tuổi 600 15
6 – 7tuổi 650 15
8 – 9   tuổi 700 15
10 – 19 tuổi 1000 15
20 – 49 tuổi 800 15
Phụ nữ mang thai 1200 20
Phụ nữ cho con bú 1300 20
Nam 50 – 69 tuổi 800 20
Nữ 50 – 69 tuổi 900 20
Người ≥ 70 tuổi 1000 20

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
        



    Bên cạnh chế độ ăn uống, tập luyện thể lực cũng là biện pháp tích cực trong phòng ngừa và điều trị loãng xương. Tập thể dục 30 – 60 phút /lần ít nhất 5 lần/ tuần. Các bài tập như đi bộ nhanh, đi rảo bước, chạy bộ chậm, tập tạ, chơi đập bóng. Nên tập ngoài trời để nhận được nguồn vitamin D tự nhiên.
Về lối sống tránh hút thuốc và uống rượu, không nên ăn quá mặn.
 

BSCK1. Nguyễn Thị Ánh Vân
Chuyên gia Dinh dưỡng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM




 

Người viết: admin

Theo dõi