Chế độ dinh dưỡng như thế nào để thể hiện tốt nhất tại vòng tuyển sinh khóa 3?

Dinh dưỡng cơ bản / 12.05.2022

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp thí sinh duy trì nền tảng thể lực sung mãn và có sự thể hiện tốt nhất tại vòng sơ loại của kỳ tuyển sinh Khóa 3 - Học viện Bóng đá Nutifood JMG. Hãy lắng nghe những lời khuyên từ bác sĩ CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất từ Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TP.HCM các bạn nhé!

       1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho vận động viên theo nguyên tắc 5Đ + 1H
  • Đa dạng: Ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm như: Chất bột đường (cơm, phở, bún, nui, bánh mì...), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng...), chất béo (dầu thực vật, bơ…), chất xơ (rau, củ, trái cây...)
  • Điều độ: Ăn đủ bữa, đúng giờ, không bỏ bữa
  • Đủ năng lượng: Ăn vừa đủ no, chú ý tập trung năng lượng từ chất bột đường
  • Đủ nước: Uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày
  • Đủ sữa: Uống trên 500ml mỗi ngày, có thể thay thế bằng các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai...
  • Hạn chế ăn mặn, béo, ngọt, uống nước có ga, cà phê, trà đậm đặc…

 
Phụ huynh có thể tham khảo nhu cầu khuyến nghị năng lượng và một số dưỡng chất như bảng bên dưới, hoặc có thể đánh giá tình trạng dinh dưỡng qua Ứng dụng thông minh trên trang web: https://viendinhduongtphcm.org/vi/phan-mem-xay-dung-thuc-don-nuti-expert để biết con mình đang ăn thiếu, đủ hay vượt nhu cầu.

Bảng: Nhu cầu khuyến nghị năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ nam theo lứa tuổi
Nhóm tuổi Năng Lượng (Kcal) Protein
(g)
Lipid
(g)
Carbohydrate
(g)
Ca
(mg)
Iốt
(mcg)
Sắt
 (mcg)
Kẽm
(mg)
Vitamin A
(mcg)
Vitamin D
(mcg)
6 – 7 1570 33 35– 52 210 - 230 650 90 7.2 5.6 450 15
8 – 9 1820 40 40- 61 250 - 270 700 120 8.9 6 500 15
10 – 11 2150 50 48 - 72 290 - 320 1000 120 11.3 8.6 600 15
12 – 14 2500 65 56 - 83 300 - 340 1000 120 15.3 9 800 15
15 – 19 2820 75 63 - 94 400 - 440 1000 150 17.5 10 900 15

      2. Cách tính toán năng lượng cho con khi chơi bóng đá
Khi vận động, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Với môn bóng đá, trong một giờ tập luyện, năng lượng trung bình cần bổ sung thêm (kcal) = trọng lượng cơ thể (kg) x 10,8 (kcal) x 1 (giờ).
Ví dụ: Trẻ 11 tuổi nặng 40kg, chơi bóng 1 giờ/ngày, nhu cầu năng lượng được tính như sau:
  • Nhu cầu năng lượng hằng ngày theo khuyến nghị: 2150 kcal/ngày (1)
  • Năng lượng bổ sung cho tập luyện bóng đá trong 1 giờ = 40 x 10,8 x 1= 432 kcal (2)
  • Năng lượng cần cung cấp cả ngày (1) + (2) = 2150 + 432 = 2582 kcal.
     3. Năng lượng từ các chất dinh dưỡng
     3.1. Chất bột đường 
Chất bột đường chiếm 55-60% tổng năng lượng của cầu thủ tuổi thiếu niên (11 -16 tuổi). Đây là “nhiên liệu” quan trọng cho việc vận động. Các em cần nạp đủ chất bột đường trong khẩu phần ăn, đặc biệt là biết cách nạp trước, trong và sau khi tập luyện sẽ giúp tăng cường vận động, tăng độ dẻo dai, bền bỉ, giúp mau hồi phục sức lực vì các hoạt động vận động của cơ thể cần năng lượng từ Glycogen dự trữ trong cơ. Glycogen chỉ được dự trữ đầy đủ nếu nạp đủ chất bột đường.
Cách nạp bột đường trước trong và sau tập luyện.
  • 2 - 4 giờ trước khi tập luyện: Ăn bữa chính đủ các nhóm chất, giàu bột đường, ưu tiên các loại bột đường hấp thu chậm như: cơm, bún, phở, bánh mì, đậu, khoai củ, các loại trái cây…
  • 1 giờ ngay sau khi tập luyện: Ăn trái cây, sữa, bánh kẹo, chocolate, gel, nước giải khát dành cho vận động viên… để tăng phục hồi dự trữ Glycogen trong gan, cơ và giảm tiết Insulin, tránh nguy cơ hạ đường huyết.
  • Bữa ăn chính sau đó: Tiếp tục ăn đủ các nhóm chất, giàu bột đường từ cơm, bún, phở, mì…
   
         3.2. Chất đạm 
Mỗi ngày, các em thiếu niên nên được cung cấp chất đạm theo tỷ lệ 15 – 18% tổng năng lượng khẩu phần (tương đương 1,5 – 2g đạm/kg cân nặng). Tỷ lệ giữa đạm động vật và đạm thực vật trong khẩu phần tương đương 65% và 35%. Phụ huynh nên lựa chọn đạm có giá trị sinh học cao như hải sản, trứng, thịt bò nạc, heo nạc, gà nạc, cá, sữa, các sản phẩm từ sữa, đậu nành, sữa đậu nành có bổ sung canxi.
 
Ước lượng đạm trong thực phẩm như sau: 10g đạm = 50g thịt nạc/cá nạc = 2 quả trứng gà ta = 90g đậu phụ = 100g đùi gà có xương
 
Ví dụ: Cầu thủ nặng 40kg, lượng đạm tối thiểu cần = 40 x 1,5 = 60g/ngày, tương đương khoảng 300g thịt hoặc cá nạc/ngày
 
        3.3. Đừng quên cung cấp đủ nước  
Nhu cầu nước: 1ml nước phục vụ cho 1 kcal năng lượng khẩu phần. Nếu nhu cầu năng lượng là 2582kcal thì cần cung cấp khoảng 2,6 lít nước cho cơ thể (3/4 là nước uống còn 1/4 là nước trong món ăn). Nhu cầu nước có thể tăng lên khi cuộc thi kéo dài hay phụ thuộc khí hậu, độ ẩm.
 
Cách uống nước: Các em nên chủ động uống nước thường xuyên trong ngày, không đợi khát mới uống.
  • Trước luyện tập: uống đầy đủ, quan sát màu nước tiểu màu vàng nhạt là đã uống đủ nước.
  • Trong tập luyện: Cứ mỗi 20 phút, cầu thủ dưới 45kg uống 150ml, cầu thủ trên 45kg uống 270ml nước
  • Sau tập luyện: Tiếp tục uống 500 - 700ml trong vòng 1 giờ dù không thấy khát.
 
Loại nước uống: nước lọc, nước trái cây, nước uống thể thao… Lưu ý, không nên không nên để con sử dụng nước giải khát, nước ngọt có ga...
 
Biết được nhu cầu dinh dưỡng của con, phụ huynh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp con có sức khỏe và sức bền tốt khi tập luyện và thi đấu.
 
Bác sĩ CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Dinh dưỡng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TP.HCM
 
 
 
Người viết: admin

Theo dõi

028.39.700.886