Hậu COVID-19, cần bổ sung gì để nhanh khoẻ?

Dinh dưỡng cơ bản / 13.10.2022

Hội chứng hậu COVID gồm một loạt các vấn đề sức khỏe, có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Việc tăng cường chế độ dinh dưỡng, giàu protein ... nhằm tăng hệ miễn dịch, giúp người bệnh sớm thoát khỏi hậu COVID-19.

1.Hậu COVID-19- thảm hoạ sức khoẻ toàn cầu tiếp theo

Hội chứng hậu COVID-19 (COVID) hay các di chứng sau bệnh COVID là một vấn đề sức khỏe mới, xuất hiện sau khi bệnh COVID.  Riêng tại Mỹ, hàng triệu người được ghi nhận mắc hội chứng hậu COVID-19, đa phần là các triệu chứng nhẹ như ho, khó thở, mệt mỏi.... Chính vì các triệu chứng nặng sau COVID-19 ít  nên hội chứng này ít được quan tâm chú ý đến, dù nó gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng hậu COVID-19 có một đặc trưng quan trọng là mất khối lượng không mỡ, đặc biệt là cơ xương, gây suy giảm và rối loạn các chức năng của cơ thể làm giảm chất lượng của cuộc sống kéo dài. 


Nhiều người mắc hội chứng hậu COVID-19, có thể kéo dài cả năm.

Hội chứng hậu COVID gồm một loạt các vấn đề sức khỏe, có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm, thường được thấy ở những người mắc COVID nghiêm trọng. Bất kỳ ai đã bị mắc COVID đều có thể gặp phải hội chứng hậu COVID, ngay cả những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng do COVID-19.

Trong một số trường hợp, một người gặp phải hội chứng hậu COVID có thể không có kết quả xét nghiệm dương tính với virus hay không biết rằng mình bị lây nhiễm. Theo Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US CDC) và một số nghiên cứu, người mắc hội chứng hậu COVID thường có các biểu hiện như sau:

  • Triệu chứng chung: suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt.
  • Hô hấp: ho, khó thở hay hụt hơi nhất là khi gắng sức.
  • Tuần hoàn: tim đập nhanh hay đánh trống ngực.
  • Giác quan: suy giảm cảm giác vị giác và khứu giác, giật cơ mắt.
  • Thần kinh: đau đầu, mất ngủ, hay quên.
  • Tiêu hóa: biếng ăn, giảm ăn, ăn mất ngon, đau bụng, sôi ruột, tiêu chảy.
  • Tình trạng dinh dưỡng: sụt cân, gầy đi rõ.
  • Cơ xương: Đau nhức cơ hay khớp.
  • Các triệu chứng khác: da xanh, thô ráp, rụng tóc, bạc tóc, già nhanh, tê bì, phát ban, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…
Việc tăng cường chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu protein và các chất dinh dưỡng có khả năng giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa, tái tạo các mô bị tổn thương để thúc đẩy quá nhanh trình phục hồi, đóng  vai trò đặc biệt quan trọng.

Chế biến món ăn cho người bị hậu COVID-19 nên thực phẩm giàu năng lượng, dễ tiêu hóa

2.Chế độ dinh dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người mắc hậu COVID-19

2.1 Về năng lượng

Cần cung cấp đầy đủ năng lượng theo tình trạng bệnh, khả năng dung nạp và cường độ lao động. Chế độ ăn cho người mắc hội chứng hậu COVID-19 nên được tăng cường protein nên cơ cấu các chất sinh năng lượng nên có tỉ lệ Protein cao, chiếm 15-20% nhu cầu năng lượng đề tái tạo các mô bị tổn thương. Hai chất sinh năng lượng là lipid: 20-25% và glucid: 55-60% trong khẩu phần.

2.2 Chất đạm- protein

Protein được cấu tạo bởi các acid amin, là chất tạo hình, giúp cơ thể phục hồi các tổn thương mô tế bào và tạo kháng thể sau khi vừa khỏi COVID-19. Nên chọn protein có giá trị sinh học cao và cung cấp các acid amin thiết yếu như cá ngừ, cá hồi, cá mòi, gà, trứng; thực vật như đậu nành, đậu phộng, hạt điều, tảo spirulina.

2.3 Lipid

Là chất vừa tạo hình vừa sinh năng lượng như dầu, mỡ, bơ, các hạt có dầu như đậu phộng, mè, hạt điều, hạt óc chó, hạt macca.

2.4 Chất bột đường (glucid hay carbohydrat) 

Là chất sinh năng lượng chính, giúp tiết kiệm protein, có nhiều trong lương thực, ngũ cốc, các loại đường, trái cây. Chọn các chất có chỉ số đường huyết thấp.

3. Các chất chuyển hóa năng lượng

Bao gồm vitamin và chất khoáng là các chất có vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa năng lượng, tăng cường sức đề kháng.
Bị hậu COVID-19 cần bổ sung gì để nhanh khoẻ? - Ảnh 3.
Rau quả chín rất giàu vitamin tốt cho người bị hậu COVID-19
 

3.1 Vitamin

 Vitamin B1 giúp chuyển hóa chất bột đường thành năng lượng, là một vitamin quan trọng nhất đối với sức khỏe, có chức năng chuyển hóa chất bột đường thành năng lượng. Khi thiếu sẽ làm kém tập trung, chú ý.

• Vitamin PP có vai trò hết sức quan trọng tác động trong quá trình chuyển hóa glucid, acid béo, acid amin, tạo năng lượng cho quá trình hô hấp tế bào.

• Vitamin  B6 tham gia vào quá trình tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamin, tạo tế bào máu, giúp ổn định thần kinh. Các loại vitamin nhóm B trên đều có trong ngũ cốc nguyên hạt như gạo, nếp.

• Vitamin  C có vai trò chống oxy hóa mạnh, tham gia tổng hợp collagen, tăng cường hệ miễn dịch, có nhiều trong rau và trái cây tươi.

• Vitamin  D. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D giúp chống xơ hóa, chống viêm và điều hòa miễn dịch. Vitamin D rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên và đóng một vai trò trong sức khỏe biểu mô phổi .  Tình trạng thiếu vitamin D với tỉ lệ rất cao trên người bệnh COVID rất cần được quan tâm can thiệp nhất là những người nhiễm COVID nặng và nằm lâu. 80% vitamin D được tạo ra từ tiền vitamin D dưới ánh sáng mặt trời. Bổ sung vitamin D hàng ngày hoặc hàng tuần nếu không thể tắm nắng hàng ngảy.

• Vitamin A giúp tăng trưởng, tăng sức đề kháng và đồng thời là một chất chống oxy hóa mạnh, có nhiều trong trứng, gan, các loại trái cây và rau có màu cam, màu vàng như cà rốt, bí đỏ, khoai lang và rau cải có màu xanh đậm.

3.2 Các khoáng chất

Khoáng chất có chức năng quan trọng là thành phần cấu tạo cơ thể, tham gia vào các phản ứng sinh học, giữ cân bằng nước, điện giải và truyền các xung động thần kinh.

• Kẽm: Nhiều bằng chứng  đã chứng minh vai trò chống bệnh nhiễm trùng của kẽm, đặc biệt phòng chống bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch. Kẽm là một chất chống oxy hóa có thể phá hủy các gốc tự do nhằm chống lại tổn thương mô như trong các trường hợp nhiễm trùng và nhiễm các chất độc. Kẽm có vai trò xúc tác, tổng hợp tế bào và kháng thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, nhất là bệnh nhiễm trùng tái diễn, phục hồi các tổn thương mô, dễ thấy nhất là vết thương ở da và niêm mạc chậm lành như nhiễm trùng rốn kéo dài ở trẻ sơ sinh. Thiếu kẽm gây tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm tăng trưởng thể chất và chậm phát triển tâm lý, suy giảm trí nhớ, thờ ơ lãnh đạm. Kẽm có nhiều trong hàu, hải sản, thịt bò, cá, trứng; củ mỡ, ổi.

 Magie có vai trò xúc tác, cấu trúc enzym, thiếu magie gây cáu gắt, mất ngủ, thần kinh dễ bị kích thích, có trong thịt, trứng; trái bơ, đậu đen, hạt bí ngô.

• Sắt là thành phần cấu tạo hemoglobin chuyên chở oxy trong hồng cầu và một số men chuyển hóa trong não. Thiếu máu thiếu sắt gây mệt mỏi, chóng mặt, kém tập trung, hay quên. Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại rau lá xanh.

• Canxi là thành phần cấu tạo của xương và răng. Canxi cùng với kẽm có vai trò ổn định màng tế bào. Khi cơ thể bị thiếu canxi do trong các trường hợp bệnh nặng sẽ tăng tính thấm của màng tế bào, kích thích các loại cơ bao gồm cơ trơn nên có thể gây tăng tiết dịch làm tắc nghẽn đường hô hấp. Ion canxi bảo vệ khỏi cảm lạnh thông thường. Canxi có nhiều trong trứng, tôm cua, hải sản.

• Axit béo omega-3
Omega-3  được phát hiện trong làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối trong bệnh tim mạch và nó có thể tác động tích cực đến các bệnh viêm nhiễm, chức năng của não, sức khỏe tâm thần và rất nhiều lợi ích khác.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màng tế bào thần kinh người có chứa các acid béo chưa bão hòa đa với nồng độ cao. Omega-3 có trong các thực phẩm tự nhiên, rẻ tiền và có thể đóng vai trò như một sự lựa chọn bổ sung lành mạnh.

• Nước: là dung môi giúp chuyển hoá các chất và vận chuyển các chất dinh dưỡng từ máu đến các mô; điều hòa thân nhiệt; thải trừ các chất độc; làm ẩm bề mặt khí phế quản và phế nang giúp cho quá trình hô hấp hoạt động bình thường.

Ngoài ra còn có các hoạt chất sinh học khác có khả năng tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn, làm bền thành mạch, chống viêm,... thường có trong rau quả như beta-caroten, lycopen, lutein, zeaxanthin, anthocyanin.  Ngoài ra rau có chứa chất xơ giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol và chống táo bón nên giúp thải độc.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên tránh  ăn quá no để tránh bội thực, khó thở nên chia nhỏ bữa thành 4-6 bữa/ngày. Chế biến mềm, nhuyễn để dễ tiêu hóa và hấp thu. Dùng thức ăn tươi tốt, nên dùng món luộc, hấp, canh, tránh các món chiên, xào, nướng và nhiều gia vị gây khó tiêu, thực phẩm qua chế biến có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ khô, muối chua. 
Hàng ngày người bệnh nên tập hít thở chậm, sâu, vươn vai, tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức, tập yoga, khí công, thiền định, ngủ sớm. Tinh thần phải thoải mái vững vàng, tránh hoang mang lo sợ. Tiếp tục chữa các bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, hen suyễn, viêm loét dạ dày, chữa biếng ăn, giảm ăn bằng bổ sung vi chất như kẽm, canxi, magie, vitamin C, vitamin nhóm B… men tiêu hóa. 

Tránh dùng các chất gây kích thích như rượu, bia, nước uống có ga, cà phê, trà đậm. Nếu không thuyên giảm cần đi khám bệnh để xác tịnh tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng có liên quan và các bệnh kết hợp đi kèm để chữa trị toàn diện.

TS.BS Nguyễn Thanh Danh
Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TP. HCM

Nguồn: suckhoedoisong.vn

 
Người viết: admin

Theo dõi