Dinh dưỡng cơ bản / 17.04.2021
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng không dung nạp thực phẩm, là hiện tượng xảy ra do bất thường trong chức năng chuyển hóa ảnh hưởng khả năng tiêu hóa một số loại thức ăn, trong đó thường gặp nhất là do thiếu enzyme tiêu hóa đặc trưng đối với loại thực phẩm đó.
Ai có nguy cơ không dung nạp thực phẩm?
Trong thực tế, ai cũng có khả năng có phản ứng với một vài loại thức ăn tại những thời điểm nào đó. Tuy nhiên, trẻ em, người cao tuổi, những người bị bệnh mãn tính… là những đối tượng có nguy cơ cao không dung nạp một hoặc nhiều loại thức ăn.
Biểu hiện của không dung nạp thực phẩm
Những người bị không dung nạp thực phẩm thường có các biểu hiện sau vài giờ đến vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm không dung nạp. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi đầy hơi, chuột rút, ói mửa, ợ nóng, nhức đầu, khó chịu hay căng thẳng, mệt mỏi, các vấn đề về da...
thanhnien.vn
Những loại thực phẩm không dung nạp thường gặp
Tất cả các loại thực phẩm đều có nguy cơ không dung nạp với một người nào đó. Tuy nhiên, các loại thực phẩm có chứa đường (lactose) và gluten là những loại thực phẩm không dung nạp thường gặp nhất.
Không dung nạp đường lactose
Lactose là đường chính trong sữa, nhờ men lactase thủy phân để giúp ruột dễ tiêu hóa hấp thu. Các trường hợp không dung nạp đường lactose xảy ra khi thiếu men lactase, đường lactose không được tiêu hóa trong ruột non, sữa đi xuống ruột già và bị lên men bởi các vi khuẩn ở đây gây ra hiện tượng đầy bụng, chướng hơi, tiêu lỏng… Hiện tượng này thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi dùng sữa. Không dung nạp lactose có thể do di truyền hoặc do tuổi tác, tổn thương ruột hoặc rối loạn tiêu hóa.
Không dung nạp đường lactose thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non, do hệ tiêu hóa non nớt của trẻ đang tập thích nghi và tăng cường chức năng hấp thu, miễn dịch. Có thể gặp ở trẻ em thiếu enzyme lactase nhất thời do hậu quả của một đợt nhiễm vi-rút hay vi khuẩn đường tiêu hóa, hoặc ở người mới bị bệnh, bị phẫu thuật hoặc tổn thương ruột non gây thiếu hụt men lactase, gây tình trạng không dung nạp lactose kéo dài vài ngày đến vài tuần rồi hết. Tình trạng này cũng gặp trong một số trường hợp không có thói quen uống sữa từ nhỏ, cơ thể không tiết men lactase.
Để cải thiện khả năng dung nạp lactose có thể tập sử dụng từng ít sữa mỗi lần và tăng dần lượng sữa khi cơ thể đã chấp nhận, nên uống sữa trong bữa ăn với thức ăn đặc giúp hấp thu từ từ, hệ thống tế bào màng ruột sẽ được kích thích tiết men lactase tăng dần. Hoặc có thể thay bằng sữa không chứa lactose như sữa từ đậu nành, các loại sữa đã tách bỏ lactose. Sữa dê chứa ít lactose hơn và dễ tiêu hóa hấp thu hơn, hoặc sữa chua trong đó đường lactose đã bị các vi khuẩn lên men, chuyển hóa thành axit lactic trở nên dễ tiêu hóa, hấp thu hơn.
Một số trường hợp rất hiếm gặp, trẻ bị bất dung nạp lactose bẩm sinh do thiếu hẳn enzyme lactase, trường hợp này phải cho dùng các sản phẩm không có lactose.
Không dung nạp gluten
Một số trẻ không dung nạp được gluten, đây là một loại chất đạm thường thấy trong lúa mì, lúa mạch, yến mạch. So với trường hợp trên, trường hợp này có thể kéo dài suốt đời, hoặc xuất hiện vào bất kỳ độ tuổi nào. Trẻ không dung nạp gluten có những biểu hiện như: biếng ăn, tay chân khẳng khiu, bụng căng phồng, mông teo tóp, hay đại tiện, phân nhiều và hôi, đồng thời trẻ thường cáu giận hoặc bơ phờ. Khi đó, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt cả về dinh dưỡng lẫn chăm sóc y tế.
Không dung nạp Gluten thường gặp trong bệnh Celiac, là bệnh do ruột non teo các vi nhung mao dẫn đến không dung nạp được gluten, hậu quả là kém hấp thu toàn thể các loại thức ăn. Nếu loại bỏ gluten trong thức ăn, chức năng của ruột non trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu sử dụng thức ăn có chứa gluten trở lại, bệnh tiếp tục tái phát. Đây là bệnh lý hay xảy ra ở trẻ em nhất là khi bắt đầu cho ăn thức ăn có gluten.
Với trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn non yếu chưa tiết đủ men tiêu hóa tinh bột, do đó không nên cho trẻ ăn bột quá sớm, chỉ nên cho ăn khi trẻ được 6 tháng, cơ thể trẻ bắt đầu khỏe mạnh hơn và có thể thích nghi dần dần với các thực phẩm có chứa gluten. Nên cho trẻ ăn một số loại ngũ cốc không có gluten như: gạo, kê và bắp khi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm để tránh trường hợp không dung nạp gluten xảy ra khi cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.
Vấn đề không dung nạp thực phẩm gây những hậu quả xấu về dinh dưỡng. Biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả nhất là tìm ra loại thực phẩm không dung nạp và loại bỏ nó ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày, sử dụng thực phẩm thay thế hoặc tập thích nghi với loại thức ăn đó./.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM