Ngày vi chất dinh dưỡng

Dinh dưỡng cơ bản / 22.05.2021

Trong những thập niên 80, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em còn ở tỉ lệ cao, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng theo đó cũng rất trầm trọng. Chính vì vậy, từ 1993 Việt nam áp dụng việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng tuổi trên toàn quốc thông qua hệ thống y tế và từ năm 1996, việc bổ sung vitamin A phối hợp với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, đồng thời bổ sung dự phòng vitamin A trẻ em bị bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp cùng với việc điều trị bệnh để phòng chống nguy cơ thiếu vitamin A và khô mắt.

Việt Nam đã lấy ngày 1 và 2 tháng 6 hàng năm (ngày bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi) là "Ngày Vi chất dinh dưỡng" và đợt hai của ngày này sẽ diễn ra vào tháng 12 hàng năm. Ý nghĩa của "Ngày Vi chất dinh dưỡng" không chỉ là bổ sung vitamin A cho trẻ mà còn nhắc nhở các bà mẹ và toàn xã hội quan tâm phòng chống thiếu các vi chất dinh dưỡng khác nữa.

Hôm nay, toàn dân đưa trẻ đi uống Vitamin A miễn phí - VietNamNet
                                                                                                                             Ảnh minh họa: Internet

 
Hàng năm, ngành Y tế cùng các cấp ngành từ trung ương đến địa phương đồng loạt triển khai các hoạt động phát động “Ngày vi chất dinh dưỡng”, tổ chức chiến dịch giáo dục truyền thông lớn nhằm nâng cao nhận thức của mỗi gia đình về dinh dưỡng hợp lý; vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành bổ sung vitamin A, viên sắt cho bà mẹ và trẻ em, đồng thời thực hiện theo dõi tăng trưởng cho trẻ.
 
Với chương trình này, mỗi năm có khoảng 3,5 triệu trẻ em trên cả nước được uống vitamin A liều cao và đã giúp khoảng hơn 6.000 trẻ em thoát khỏi mù lòa. Đến 1995, Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận bệnh khô mắt do thiếu vitamin A được loại trừ ở Việt Nam, kết quả này vẫn được duy trì đến nay.
 
Vi chất dinh dưỡng là gì, hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng?
Vi chất dinh dưỡng là các chất mà cơ thể chỉ cần chúng với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe, đến sự phát triển thể chất, trí tuệ đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy quan trong như vậy nhưng đa số các chất này cơ thể không tự tổng hợp được mà do thức ăn cung cấp.
Theo các nhà dinh dưỡng thì có khoảng 40 loại vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trong đó, vitamin A, sắt, iốt, kẽm và canxi là những vitamin và khoáng chất rất dễ thiếu và cần được phòng chống sự thiếu hụt trong cộng đồng. Sự thiếu hụt các chất này gây ra một số hậu quả:
- Vitamin A: đây là loại vitamin cần thiết cho quá trình sinh sản, sự phân bào, sự sao chép gen, giúp điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch, thúc đẩy sự phát triển các tế bào biểu mô ở da, mắt, hô hấp, tiết niệu & ống tiêu hóa. Khi thiếu vitamin A dễ gây loét giác mạc gây mù lòa (gọi là bệnh khô mắt do thiếu vitamin A), dễ gây viêm phổi, tiêu chảy và sởi… Ở phụ nữ mang thai, thiếu Vitamin A có thể gây ra chứng quáng gà và tăng nguy cơ tử vong mẹ.
 
- Sắt: Sắt là một vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Sắt kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp. Vì vậy, thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng, giảm phát triển về trí tuệ & khả năng lao động, khả năng học tập và tăng bệnh tật.
- Iốt: đây là vi chất dinh dưỡng rất cần cho sự tăng trưởng và hoạt động trí não. Trẻ em trong độ tuổi phát triển nhanh và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu iốt do nhu cầu tăng cao. Sự thiếu iốt ở các đối tượng này sẽ gây ra những hậu quả rất trầm trọng, nếu thiếu iốt ở giai đoạn bào thai thì não bộ sẽ bị tổn thương nặng nề, trẻ sinh ra sẽ bị đần độn và các khuyết tật thần kinh (điếc, lác mắt, khoèo chân, tay…). Phụ nữ mang thai nếu thiếu iốt sẽ dễ bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Các em học sinh nếu bị thiếu iốt sẽ làm giảm thành tích học tập do khả năng tập trung trí óc kém.
 
- Kẽm: Hệ thống miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với tình trạng kẽm của cơ thể. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục.
 
Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển về tầm vóc của trẻ em và tầm vóc của người Việt Nam trong tương lai.
Làm thế nào để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng?
Vi chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc và trí thông minh. Nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn và lại dễ bị thiếu trong chế độ ăn. Vì vậy để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:
- Các bà mẹ hãy tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý các sản phẩm sẵn có ở địa phương.
- Đa dạng hóa bữa ăn là giải pháp trực tiếp và bền vững để giải quyết vấn đề thiếu vi chất; biết lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng; nên ăn đủ nhu cầu năng lượng, đủ rau và trái cây tươi, chú ý rau xanh đậm và củ quả vàng đậm; dùng muối iốt trong ăn uống và chế biến thức ăn.
- Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần phải uống viên sắt - axit folic hoặc viên đa vi chất.
- Bổ sung viatmin A liều cao một năm 2 lần cho trẻ trong độ tuổi 6 - 60 tháng và bà mẹ sau sinh con.
 

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
                                                                                     Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
                                                                                                                       

 
 
 
 
 

Theo dõi