Bổ sung Glucosamine bằng thực phẩm

Người trưởng thành / 05.10.2020

Người bị viêm khớp đơn thuần hoặc có thêm bệnh lý mạn tính khác thường phải sử dụng rất nhiều thuốc mỗi ngày, việc thay thế thuốc bằng thực phẩm sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn cho người bệnh.

Vai trò của Glucosamine:
  • Vai trò của glucosamine là sản xuất ra glycosaminoglycan và glycoprotein, đây là hai hợp chất quan trọng giúp cấu thành các khớp, bao gồm cả dây chằng, gân, sụn và chất hoạt dịch.
  • Glucosamine dùng để bổ sung trong thực phẩm và điều trị trong y học được làm từ vỏ tôm, cua, sò, trai hoặc được tổng hợp từ phòng thí nghiệm. Có 2 dạng glucosamine là glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride. Glucosamine sulfate thường được dùng bằng đường uống để điều trị giảm đau, làm chậm tiến trình thoái hóa khớp và phục hồi sụn khớp trong viêm khớp háng, khớp gối và khớp giữa các đốt sống hoặc viêm khớp dạng thấp.

Sử dụng dược phẩm glucosamine đúng cách:

Mặc dù bổ sung glucosamine ít có tác dụng phụ, nhưng khi có ý định sử dụng hợp chất này, bạn vẫn cần kiểm soát một số nội dung sau:
  • Cần chắc chắn là bạn đang bị viêm khớp, không phải là đau cơ hoặc đau do chấn thương phần mềm…

  • Cần ghi nhớ các chống chỉ định của glucosamine, đó là bệnh đục thủy tinh thể, bệnh đái tháo đường, dị ứng với sò, trai, đang điều trị bằng warfarin, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc điều trị cao huyết áp, trẻ em (dưới 18 tuổi), phụ nữ đang mang thai, đang có ý định mang thai hoặc đang cho con bú.

  • Cần chọn mua glucosamine được sản xuất từ công ty có uy tín, đọc kỹ thông tin về sản phẩm, hỏi ý kiến của bác sĩ về cách sử dụng, liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh của chính bạn. Thông thường, liều lượng sử dụng phụ thuộc vào thể trọng của người dùng (dưới 50kg sẽ không dùng quá 1.000mg; trên 50kg có thể dùng đến 1.500mg mỗi ngày và trên 100kg thì phải hỏi ý kiến của bác sĩ). Liều lượng và thời gian sử dụng còn phụ thuộc vào vị trí của khớp viêm, loại glucosamine sử dụng và đường đưa thuốc vào cơ thể (uống hay tiêm).

  • Các tác dụng phụ như nôn, ợ nóng sẽ giảm hoặc mất đi nếu glucosamine được dùng cùng với thức ăn hoặc ngay sau bữa ăn.

Bổ sung glucosamine từ bữa ăn hàng ngày:

Cơ thể tự tổng hợp được glucosamine từ glucose và glutamin, khả năng tổng hợp này giảm dần khi cao tuổi; Có thể bổ sung glucosamine cho người bệnh viêm khớp bằng nhiều cách:

  • Ở người trẻ, có thể cung cấp glutamin để cơ thể tự tổng hợp glucosamine. Thực phẩm giàu glutamine là thịt bò, thịt gà, thịt cừu, cá, sữa, đậu phộng, quả hạnh nhân, trứng, bắp cải, đậu nành, cải bó xôi và các loại rau lá xanh.

  • Sử dụng thực phẩm chứa nhiều glucosamine tự nhiên như sụn đầu xương, sụn sườn của heo, bò, gà, vịt…

  • Dùng sữa có bổ sung glucosamine, cách này thường được chọn do thuận tiện, lại không bị các tác dụng phụ vì glucosamine được dùng chung với thực phẩm, ngoài ra, sữa còn cung cấp thêm năng lượng, đạm có giá trị sinh học cao, vitamin D và can xi  là những dưỡng chất có lợi cho sức khỏe xương – khớp và sức khỏe tổng quát của người cao tuổi.       

   BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
   
 
Người viết: admin

Theo dõi