Nghề giáo cần chú ý gì trong dinh dưỡng

Người trưởng thành / 21.06.2021

Nghề giáo là một nghề lao động trí óc, tuy không phải lao động nặng nhọc như những nghề khác nhưng so với nhân viên văn phòng nhu cầu dinh dưỡng cũng cao hơn một chút do tính chất công việc phải đứng nhiều.

Chuyên gia yoga nói gì về dinh dưỡng và ăn uống đối với sức khỏe
                                                                                                                                 Ảnh minh họa: Internet


Nhu cầu dinh dưỡng
Năng lượng trung bình một người bình thường trong độ tuổi lao động làm việc nhẹ khoảng 1800 - 2200 kcal. Giáo viên đứng giảng bài 1 tiết tiêu hao khoảng 140 - 270 kcal. Do vậy, tùy vào số tiết giảng trong ngày mà giáo viên cần ăn uống hợp lý để đảm bảo đủ năng lượng và dưỡng chất cho hoạt động của cơ thể, duy trì sức khỏe và trí óc để sáng tạo trong công việc.
            Nếu giảng dạy nhiều tiết trong ngày, ngoài các bữa ăn chính nên ăn thêm 1 - 3 bữa phụ, nhằm cung cấp thêm 1 phần năng lượng, tránh hạ đường huyết vào các tiết cuối buổi, tránh viêm dạ dày do căng thẳng, do khoảng cách các bữa ăn quá xa. Các thức ăn trong bữa phụ có thể là sữa hoặc sản phẩm từ sữa (sữa chua, bánh flan, kem làm từ sữa...), sữa đậu nành, trái cây, sinh tố, hoặc vài cái bánh ngọt, vài lát bánh bông lan ...
Nói chung, giáo viên không cần quá nhiều năng lượng trong khẩu phần nhưng cần chú ý dưỡng chất. Để trí óc luôn minh mẫn, giáo viên cần lưu ý cơ thể phải nhận đủ chất đạm (từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu hũ, các loại đậu...) nhằm cung cấp acid amin thiết yếu giúp tạo chất dẫn truyền thần kinh cần cho hoạt động trí não. Mỗi ngày cần khoảng 150 g thịt cá (hoặc khoảng 300 g đậu hũ) và 2 ly sữa. Nên hạn chế chất béo trong khẩu phần, sử dụng chất béo thực vật nhiều hơn béo động vật, ăn cá nhiều hơn thịt vì cá chứa nhiều acid béo omega-3 cần thiết cho việc tạo màng tế bào thần kinh, nên ăn cá ít nhất 3 ngày/tuần. Không nên ăn nhiều đường tinh chế vì sẽ hấp thu vào máu rất nhanh làm đường huyết không ổn định, bất lợi cho hoạt động của não, hãy chọn ngũ cốc thô, nguyên hạt. Cần ăn nhiều rau và trái cây chín, các loại rau lá xanh (rau muống, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi...), rau gia vị (hành, hẹ, rau thơm...), củ gia vị (tỏi, gừng, riềng, nghệ...), trái cây chín sẽ cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng và các chất chống oxy hóa giúp bộ não chậm lão hóa. Chế độ ăn nhiều rau (khoảng 300g rau/ngày) cũng sẽ giúp tránh táo bón rất thường gặp ở những nghề nghiệp phải ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu. Sử dụng muối iod thay cho muối thường trong ăn uống để bổ sung đủ cho nhu cầu cơ thể.
Những bệnh hay gặp ở giáo viên và cách phòng tránh
-Ứ máu chi dưới gây đau nhức, dễ bị viêm tĩnh mạch là hậu quả của việc đứng giảng lâu thường xuyên. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng, nhiều năm sẽ đưa đến chứng dãn tĩnh mạch chi dưới và trĩ. Tư thế đứng lâu cũng làm giảm lượng máu lưu thông đến các cơ nên mau mỏi và đau cơ đùi, lưng và cổ (là những cơ giúp giữ tư thế đứng thẳng). Hơn nữa, đứng quá nhiều dễ gây viêm khớp và làm tổn hại đến các dây chằng nối cơ và xương. Vì thế, nên thay đổi tư thế thường xuyên: lúc đứng, lúc đi tới đi lui, lúc ngồi. Thỉnh thoảng nên đi xuống cuối lớp, vừa là động tác vận động để máu huyết lưu thông điều hòa, vừa tránh tê chân và ứ máu ở vùng chi dưới.
- Đau bàn chân do đứng nhiều, nhất là các cô giáo thường sử dụng giày cao gót. Cô giáo nên mang giày dép phù hợp, không quá rộng, cũng không quá chật, nhất là không nên mang giày gót cao (gót giày không quá 5cm).
- Viêm thanh quản gây khàn tiếng, tắt tiếng do giảng nhiều. Cần chú ý uống đủ nước (khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày), nên nói tốc độ bình thường, có thể áp dụng phương pháp giảng dạy chủ động, tạo tình huống hoặc câu hỏi nhiều hơn để học sinh thảo luận, phát biểu ý kiến.
- Viêm họng lặp đi lặp lại do nói nhiều khi giảng. Khi nói nhiều không khí đi qua họng nhiều sẽ làm khô niêm mạc họng, các tế bào ở khu vực này mất đi khả năng sinh lý tự nhiên gây nên hiện tượng viêm do mất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoặc virus tấn công. Để tránh hiện tượng này cần thường xuyên nhấp giọng bằng nước trong lúc giảng dạy, động thời uống đủ lượng nước trong ngày, giữ vệ sinh họng bằng cách khò nước muối sinh lý mỗi ngày vào tối trước khi ngủ và sáng sau khi ngủ dậy.
- Nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do tiếp xúc với bụi phấn. Nên sử dụng loại phấn ít bụi, sử dụng bông lau ẩm, hoặc chuyển sang bảng bút lông, dạy bằng trình chiếu trên máy tính... bên cạnh đó cần tránh những nơi ô nhiễm, có khói, bầu không khí khô (như phòng máy lạnh).
Phòng bệnh bằng cách vận động
Cơ địa cũng là một yếu tố rất quan trọng để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Nên tránh thức khuya hay làm việc quá sức, stress vì như vậy hệ miễn dịch cơ thể sẽ làm việc yếu đi, dễ bị tấn công của các tác  nhân gây bệnh.
Cần chú ý dinh dưỡng hợp lý kết hợp vận động phù hợp giúp cơ thể khỏe mạnh. Nên tham gia một môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích, điều kiện sức khỏe để phòng tránh bệnh tật, giải tỏa căng thẳng, tạo sự hưng phấn trong những tiết giảng.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

 
 

Người viết: admin

Theo dõi

028.39.700.886