Thừa cân béo phì / 20.10.2020
Hỏi: Bé gái 38 tháng tuổi, cao 95 cm, nặng 19 kg có bị béo phì không? Béo phì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Chế độ ăn uống của bé như thế nào là phù hợp? (chị Nguyễn Thị Hồng - quận 3, TP.HCM)
Hậu quả trước mắt: Trẻ dễ mắc bệnh và khi bệnh thường nặng hơn trẻ khác. Trẻ cũng giảm khả năng vận động và phản xạ chậm nên trẻ dễ bị tai nạn, rối loạn giấc ngủ và cơn ngừng thở khi ngủ, tổn thương tâm lý: mặc cảm, kém tự tin, trầm cảm, nguy cơ dậy thì sớm kìm hãm sự tăng trưởng…
Hậu quả lâu dài: Nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, đái tháo đường type 2, đau xương khớp, biến dạng chân vòng kiềng…Để khắc phục tình trạng này cần kết hợp dinh dưỡng đúng, tăng cường vận động, cho trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 10 giờ đêm. Mục tiêu giúp trẻ tăng cân chậm lại hay đứng cân nhưng vẫn phát triển chiều cao theo độ tuổi. Nguyên tắc là giảm cung cấp năng lượng trong chế độ ăn nhưng đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng và phát triển.
Nên cho trẻ ăn đủ bữa, ăn đủ đạm, ăn cá nhiều hơn thịt, chọn thịt cá nạc, uống đủ lượng sữa (400 - 500 ml/ngày). Nên chọn sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì, sữa ít béo không đường hoặc ít đường, ăn nhiều rau, trái cây ít ngọt. Giảm ăn tinh bột (cơm, xôi, bánh mì, mì, nui…), không nên cho trẻ ăn thức ăn ngọt (bánh kẹo, nước ngọt, chè, kem, snack, trái cây ngọt...), thức ăn béo (đồ chiên xào quay, lòng, da, mỡ, thịt mỡ...). Không ăn vặt, không cho ăn sau 20 giờ.Chúc bé khỏe mạnh và sớm thoát khỏi béo phì.
BS CKI Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM