Thừa cân béo phì / 20.10.2020
Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đang tăng nhanh, nhất là ở các đô thị.
Đây thực sự là một hồi chuông đáng báo động, cho thấy ý thức dự phòng và điều trị bệnh thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức.
Và béo phì ở trẻ em, cũng sẽ làm cho trẻ gia tăng nguy cơ bị mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường type 2… gây ra nhiều hậu quả nguy hại về mặc sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ nếu không được điều trị kịp thời. Thực tế này cũng đã được chứng minh tại các phòng khám nhi, với số lượng trẻ bị béo phì lứa tuổi học đường bị gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ trong máu, cao huyết áp, đái tháo đường… đến khám và điều trị ngày càng gia tăng. Các bệnh lý này nếu xảy ra ở trẻ lại càng nguy hiểm bởi trẻ còn nhỏ, chưa hiểu biết về hậu quả của bệnh, chưa ý thức được hành vi trong việc tự bảo vệ sức khỏe nên sẽ rất khó kiểm soát các cơn thèm ăn cũng như việc tập luyện và vì vậy trẻ có thể phải sống lệ thuộc vào thuốc và gặp nhiều biến chứng hơn.
Chúng ta cũng biết, nguyên nhân chủ yếu của thừa cân, béo phì là do năng lượng từ ăn uống đưa vào quá nhiều (dùng thường xuyên thức ăn nhanh, thịt mỡ, đồ chiên rán quay, bánh kẹo, kem, chè, nước ngọt…) trong khi năng lượng tiêu hao ra quá ít (ít vận động, thích ngồi một chỗ chơi game, xem tivi, học thêm quá nhiều không có thời gian chơi thể thao…).Do đó, giải pháp quan trọng để phòng chống tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em rất cần các bậc cha mẹ phải thay đổi tư duy, phải có sự hiểu biết trong việc chọn lựa các thực phẩm lành mạnh cho con (nên ăn giảm đường, giảm béo, nhiều rau củ quả, hạn chế thức ăn nhanh, chọn sữa phù hợp…), thường xuyên tạo điều kiện cho trẻ vận động, chơi thể thao ít nhất 60 phút mỗi ngày, theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ mỗi tháng hay mỗi quý để kiểm soát việc tăng cân, tăng chiều cao sao cho phù hợp với các giai đoạn phát triển của con.
Chú ý, không áp dụng chế độ ăn kiêng quá mức hoặc uống thuốc để giảm cân, mà phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không nên cắt bỏ sữa của trẻ béo phì mà cần đổi loại sữa phù hợp vì sữa vẫn là thực phẩm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nên chọn các loại sữa năng lượng thấp, sữa không đường, tách béo, sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì, khoảng 400ml – 500ml mỗi ngày theo nhu cầu khuyến nghị của tuổi.ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan
Phó Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM