GIẢI PHÁP NÀO TỐT NHẤT CHO NGƯỜI THỪA CÂN BÉO PHÌ, ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP?

Thừa cân béo phì / 06.08.2024

TS.BS Nguyễn Thanh Danh

“Thở thôi cũng tăng cân”, “càng cố giảm cân càng không hiệu quả, lại thêm đau nhức xương khớp” là những câu than thở nửa đùa nửa thật phổ biến của các chị em. Đa phần chúng ta đều quy về lý do “cơ địa”, tuy nhiên, tình trạng này có thể là kết quả của những vấn đề sức khỏe tiềm tàng. Cùng tìm hiểu với Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh – Bác sĩ phụ trách của Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng NRI nhé!

1. Về mặt nguyên nhân gây thừa cân béo phì, suy nhão cơ, thoái hóa khớp

  • Quá tải calo: cung cấp calo vượt quá nhu cầu cơ thể (95% case béo phì)

Câu nói “thở thôi cũng tăng cân” nhằm chỉ những người ăn có vẻ ít nhưng lại dễ tăng cân. Để có thể lý giải cho sự nhạy tăng cân này, chúng ta cần phải hiểu nguyên tắc cân bằng giữa cung cấp năng lượng và tiêu hao năng lượng trong việc duy trì cân nặng hợp lý của cơ thể. Muốn vậy chúng ta cần cung cấp năng lượng cho cơ thể vừa đủ với nhu cầu tiêu hao năng lượng bao gồm cho chuyển hóa cơ bản như nhịp thở, tiêu hóa, nhịp tim.... và đủ năng lượng cho các hoạt động sống hàng ngày như đi đứng, làm việc, luyện tập... Khi quá trình này bị mất cân bằng, tức ăn dư thừa 3 chất dinh dưỡng sinh năng lượng (Calo) chính là chất bột đường (Carbohydrate, 1g sinh ra 4 Kcalo ), chất béo (lipid, 1g sinh ra 9 Kcalo) và chất đạm (protein, 1g sinh ra 4 Kcalo) sẽ dẫn đến thừa cân béo phì. Ngoài ra, còn có một chất sinh năng lượng nữa là cồn ethanol (1g sinh ra 7 Kcalo) chứa trong rượu, bia với những nồng độ khác nhau, cồn sinh ra năng lượng rỗng, tức không có các chất chuyển hóa kèm theo như vitamin nhóm B có trong ngũ cốc giúp chuyển chất bột đường, nên người uống nhiều rượu bia sẽ sinh ra béo bụng. Cồn ethanol trong rượu bia chính là thành phần sẽ gây ra các tác hại chính khi chúng ta dùng nhiều.


Ảnh minh họa

  • Thiếu vận động và thiếu ra nắng: Mặt quan trọng thứ hai là vận động, vận động là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp thúc đẩy chuyển hóa gây tiêu hao năng lượng, giúp máu huyết lưu thông và tăng cường thải trừ các độc tố nội sinh. Như vậy khi ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể thiếu vận động thì sẽ sinh ra dư thừa năng lượng và năng lượng này sẽ được tích trong các tế bào mỡ gây ra thừa cân béo phì. Mặt khác thiếu vận động là một nguyên nhân quan trọng gây ra xốp xương và loãng xương, thoái hóa các khớp gây đau nhức kéo dài. Điều này rất dễ thấy ở người trung niên trở lên do cơ xương khớp có sự suy thoái nên ít vận động, vận động không đủ cường độ và bận bịu nên có ít thời gian tập luyện như lúc còn trẻ trung. Thêm vào đó, thiếu vitamin D do thiếu ra nắng (tắm nắng hàng ngày) của người nữ sợ nắng, và người ở thành thị không có không gian và thời gian tắm nắng cũng là 1 nguyên nhân lớn làm xốp xương, loãng xương ở người lớn. Do khoảng 80% vitamin D được tổng hợp trong cơ thể dưới tác dụng của tia cực tím (UVB) từ ánh sáng mặt trời, chúng tác động vào da chuyển tiền chất vitamin D (7 dehydro – cholesterol) thành vitamin D3 giúp hấp thu canxi từ ruột vào máu và đưa canxi vào xương giúp chắc xương. Xốp xương, loãng xương cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì kháng trị do cơ thể bị đau nhức khó tập luyện đúng yêu cầu và không thể huy động các chất khoáng giúp chuyển hóa năng lượng từ trong xương, trong cơ ra để tổng hợp các enzyne chuyển hóa và tham gia vào quá trình trao đổi chất như sắt, kẽm, canxi, magnesum, protein.

  • Mặt khác, khi bước qua tuổi trung niên thì các quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ suy giảm dần. Quá trình đồng hóa cơ, xương giảm thay cho quá trình dị hóa tăng lên. Các tế bào chức năng bị thoái hóa, các mô mỡ của cơ thể dễ dàng tích mỡ hơn khi chế độ ăn dư thừa năng lượng, dù chỉ thêm 10-15% năng lượng mỗi ngày cũng dẫn đến cânnặng nhích lên từng ngày. Đó cũng là một yếu tố gây thừa cân béo phì.

  • Phụ nữ sau sinh: thường ăn nhiều để tạo sữa, ít vận động do đau, do mệt mỏi, cũng dễ gây tăng cân.

  • Phụ nữ mãn kinh: phụ nữ rất dễ tăng cân trong khoảng thời gian mãn kinh, ngoài sự thay đổi hormone, sự lão hoá cũng làm chậm quá trao đổi chất do đó quá trình đốt cháy calo sẽ ít hơn, những thay đổi trong lối sống như ít luyện tập thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng tăng tích mỡ. Chất béo thường tích tụ quanh eo, hông và đùi.

  • Tình trạng stress: làm tăng tiết Cortisol gây ra sự thèm ăn làm cho chúng ta ăn nhiều hơn. Stress hay căng thẳng là một yếu tố gây tăng cân.

  • Thiếu ngủ: Ngủ đầy đủ giúp phục hồi sức khỏe, vận động nhanh nhẹn,vận động tốt nên giúp cơ thể chuyển hóa tốt hơn, tiêu mỡ, tăng cơ, chắc xương. Thiếu ngủ (thức) làm tăng tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với lúc ngủ nên dẫn đến xu hướng ăn nhiều hơn để bù đắp. Mặt khác, người thiếu ngủ thường có cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng và nhiều bột đường qua ăn vặt vào ban đêm nhiều hơn dẫn đến thừa năng lượng. Một lý do khác là sự thay đổi hormone làm tăng cảm giác đói và thèm ăn. Thêm vào đó, sự thiếu ngủ còn khiến cho bạn không cảm thấy no sau khi ăn do mệt mỏi làm giảm nhạy cảm của các giác quan trong đó có vị giác.

  • Tăng cân tạm thời do ngưng thuốc lá: Một số người nghiện thuốc lá, khi cai thuốc là có thể trong giai đoạn đầu cơ thể có thể tăng lên vài kg nhưng sau vài tuần cân nặng cơ thể sẽ trở lại bình thường. Cân nặng sẽ trở lại bình thường nhanh hơn nếu người cai thuốc lá giảm 15-20% lượng thức ăn ăn vào.

  • Tăng cân cũng xảy ra trong các trường hợp bệnh lý chiếm khoảng 5% như : suy thận gây ứ dịch, người mắc bệnh suy tuyến giáp làm cơ thể tiêu hao năng lượng ít hơn so với người bình thường nhưng dễ tăng cân hơn do cơ thể giảm chuyển hóa. Hội chứng buồng trứng đa nang buồng trứng…

  • Nhiễm độc thuốc: Các trường hợp nhiễm độc thuốc bao gồm thuốc tâm thần kinh như  thuốc điều trị chứng đau nửa đầu, thuốc điều trị co giật, thuốc ngừa thai, dùng corticoid thường gặp như prednisolon, prednison, betamethasone, methylprednisolone để trị bệnh hen suyễn, viêm khớp, ngứa, lupus ban đỏ... Các thuốc điều trị huyết áp cao và bệnh tiểu đường. Khi dùng các thuốc trên để trị bệnh bạn cần báo cho bác sĩ điều trị biết để đổi thuốc hay giảm liều và hướng dẫn chế độ ăn giảm cân thích hợp.
  • Ngoài ra các bệnh do di truyền như hội chứng Prader-Willi (mất 1 phần NST 15), HC Frohlich: u hạ đồi, tăng sự thèm ăn.


Ảnh minh họa

2. Các hình thức ăn gây dư thừa năng lượng thường gặp:

  • Vô tình nạp các thức ăn có đậm độ năng lượng cao. Thực tế có nhiều người ăn ít trong bữa chính, nhưng lại ăn vặt bằng các thực phẩm có đậm độ năng lượng cao. Ví dụ 1 ly trà sữa size trung bình đã cung cấp khoảng 300 kcal hay 1 bịch bánh tráng trộn cũng 400-500 kcal, trong khi 1 chén cơm có kèm thức ăn cung cấp khoảng 300 kcal, bạn chỉ cần uống 1 ly trà sữa cũng gây thừa năng lượng gần bằng bạn ăn 1 chén cơm.

  • Gặp đồ ăn ngon thì ăn nhiều hơn để thưởng thức ví dụ như như bình thường mỗi lần ăn 1 chén cơm, nay có cá kho hay thịt kho tàu ngon quá nên bạn bắt trớn ăn đến 1,5 chén.

  • Đi dự tiệc có nhiều món ngon nên ăn nhiều hơn, nên mùa tiệc, lễ, tết hay hè thường làm tăng cân nhanh và nhất là khi đi du lịch có nhiều món lạ, ngon.

  • Đặc biệt là ăn theo ý thích như ăn quá nhiều chất béo, chất bột đường tạo thành một thói quen trong cách ăn uống thừa năng lượng, nhưng mất cân đối trong khẩu phần do thiếu các chất giúp chuyển hóa năng lượng, gây thừa cân béo phì thể hiện qua thừa mỡ, nhão cơ, xốp sương, loãng xương, đau nhức xương khớp do thoái hóa. Càng nhịn ăn càng mệt, tập thể dục thì mau mệt, đau nhức các khớp hai chi dưới…


Ảnh minh họa

​3. Ăn nhiều không kiềm chế được để nuôi các mô tế bào mỡ thừa đang tồn tại trong cơ thể thừa cân béo phì.

Mô mỡ là nơi dự trữ năng lượng, nhưng cũng cần được cung cấp năng lượng để được nuôi sống nên người thừa cân béo phì buộc phải ăn nhiều hơn bình thường để nuôi sống các mô tế bào này. Vì thế, việc dùng các giải pháp dinh dưỡng, vận động, bổ sung vi chất... để cho các tế bào mỡ phải chuyển hóa, dùng chính năng lượng thừa của mình để tự nuôi sống mình và cung cấp cho cơ thể. Từ đó, các tế bào mỡ sẽ nhỏ lại và trở về trạng thái bình thường, tiêu mỡ nhưng tăng cơ và chắc xương, bạn sẽ nhẹ nhàng và khỏe khắn hơn là giải pháp tốt nhất và an toàn nhất để chữa trị thừa cân béo phì.

  • Nếu bạn đang băn khoăn vì sao mình ăn không nhiều, cũng chịu khó tập thể dục nhưng cân nặng vẫn lên đều, hay béo phì chữa hoài không cải thiện, vẫn thèm ăn, ăn nhiều vẫn thấy đói... thì có thể bạn đang cần sự hỗ trợ của Bác sĩ Dinh dưỡng.

  • Gói khám Dinh dưỡng tại Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng NRI Viện Nghiên Cứu Dinh Dưỡng TP. HCM bao gồm đánh giá khẩu phần, phân tích thành phần cơ thể, đo mật độ khoáng trong xương, xét nghiệm tầm soát nguyên nhân gây bệnh và các biến chứng của béo phì, thoái hóa xương khớp. Bác sĩ sẽ có tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt cho từng cá thể, cung cấp chế độ ăn uống, vận động phù hợp cho từng cá thể để nhanh chóng đạt được vóc dáng mong muốn và cải thiện sức khỏe cơ bắp và xương khớp cho bạn.   

Hãy liên hệ ngay với phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng NRI.
Hotline (028) 39 700 886 để đăng ký nhanh nhất
Hoặc đăng ký khám tại https://viendinhduongtphcm.org/vi/dat-lich-kham

Người viết: admin

Theo dõi