Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Y học thường thức / 25.03.2021

Những ngày gần đây, tình trạng nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện ở khu vực miền Đông Nam Bộ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ, người bệnh, người làm việc ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức (lao động nông nghiệp, công nhân lò gạch, lò luyện gang thép…).

Cẩn thận với các bệnh thường gặp mùa nắng nóng
- Mất nước và điện giải: nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải. Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn nếu kèm nôn mửa, tiêu chảy do ăn uống không hợp vệ sinh hoặc do thức ăn ôi thiu...
- Sốc nhiệt (say nắng): xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, khiến nhiệt độ cơ thể tăng vọt. 
- Cháy nắng (bỏng nắng): bạn có thể bị cháy nắng sau vài giờ tiếp xúc với tia UV mà không có biện pháp bảo hộ, làm da bị đỏ rộp, đau rát. 
- Ngộ độc thực phẩm: nắng nóng chính là điều kiện cho các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng dễ sinh sôi phát triển nếu thực phẩm không được bảo quản đúng cách. 
- Đau đầu: trời nóng khiến các mạch máu não giãn nở, gây đau nhức đầu và đau đầu cũng có thể là hậu quả của mất nước và sốc nhiệt. 
- Viêm da: da tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời có thể gây phát ban đỏ và ngứa. Ngứa không chỉ ở một vùng da mà có thể lan ra nhiều nơi, có thể gây viêm da dị ứng hay nhiễm trùng, mưng mủ, lở loét.
- Bệnh đường hô hấp (viêm mũi, họng, viêm xoang, viêm phế quản, hen phế quản…) hay bệnh tim mạch (cơn cao huyết áp, đột quỵ…): do bị nhiễm lạnh hay do thay đổi nhiệt độ đột ngột (nằm máy lạnh nhiệt độ quá thấp, đang ra mồ hôi vào phòng máy lạnh ngay hoặc đang ra nhiều mồ hôi hay mới đi ngoài nắng về tắm nước lạnh ngay, hoặc cho quạt chiếu thẳng vào người…).
 
Infographic] Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
 
Ảnh: Internet
Cách chủ động phòng chống 
Để chủ động phòng tránh các bệnh mùa nắng nóng, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng gắt nếu không thật cần thiết, đặc biệt là trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu cần phải đi vào giờ này, bạn cần có các biện pháp bảo hộ như đội mũ rộng vành, mặc quần áo che kín người có màu sáng, thoáng mát, thấm hút mồ hôi, đeo kính râm và có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 40 trở lên. 
- Uống nhiều nước, tối thiểu 1,5-2 lít nước/ngày, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nên uống bổ sung các loại nước giúp giải nhiệt như nước chanh, cam, nước dừa tươi, nước rau má, nước đậu đen, nước rễ tranh râu ngô, nước atiso… pha thêm một ít muối ăn hoặc nước Oresol. Hạn chế uống nhiều nước đá, nước lạnh dễ gây viêm họng. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn hay café vì chúng làm tăng tình trạng mất nước.  
- Không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột: không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá lạnh; không để gió quạt thổi trực tiếp xoáy vào người, không được tắm ngay khi còn mồ hôi.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: không ăn thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua…) hoặc thực phẩm cũ để lâu ngày. Hạn chế ăn uống ở các hàng quán vỉa hè. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
- Dinh dưỡng đầy đủ: bổ sung đầy đủ rau xanh và trái cây mỗi ngày để đảm bảo cung cấp vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Chọn quả tươi, chứa nhiều vitamin C như: dưa hấu, cam, bưởi, thanh long, táo, cà chua… Ngoài ăn trực tiếp, có thể ép lấy nước uống hoặc làm sinh tố cũng rất tốt.
- Đối với những người phải làm việc trong điều kiện nắng nóng: sau mỗi 45 phút-1 giờ làm việc cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng 15-20 phút, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, vật liệu cách nhiệt, phun nước, phun sương, lắp đặt điều hòa hay quạt thông gió.
 
ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan
Phó Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
 
Người viết: admin

Theo dõi