Người béo phì mắc bệnh COVID-19 dễ chuyển nặng và cách phòng chống

Y học thường thức / 25.10.2021

Các nghiên cứu gần đây cho thấy người mắc bệnh Covid-19 là người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, viêm đường hô hấp, người cao tuổi, đặc biệt là người béo phì là những người có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng và dễ gây tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 39% người lớn từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân béo phì, con số này ngày càng tăng cao hơn nữa. Năm 2020, có khoảng 39 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Không chỉ ở các nước đã phát triển và hiện đang gia tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Phần lớn dân số thế giới sống ở các quốc gia nơi thừa cân và béo phì bị tử vong nhiều người hơn thiếu cân.
Giờ đây trong đại dịch, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người béo phì mắc bệnh và tử vong do mắc COVID-19 là một yếu tố nguy cơ rất đáng lo ngại.


                                                                                                                     Ảnh minh họa: Internet
 

Ngược dòng lịch sử, các trận đại dịch cúm vào những năm 1950 và 1960 đều cho thấy người bị béo phì cũng có nguy cơ tử vong cao hơn so với người không béo phì. Trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, bệnh nhân béo phì có liên hệ chặt chẽ với tiên lượng xấu. Các số liệu cho thấy rõ sự nguy hiểm của bệnh béo phì - cảnh báo mà mọi người thường xem nhẹ trong bối cảnh bình thường. Gần đây, một nghiên cứu của Anh quốc phát hiện ra rằng, những người béo phì bị nhiễm corona virus có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người không béo phì, bất kể tuổi tác và giới tính. Người có chỉ số BMI từ 30 – 40 khi nhiễm COVID-19 có nguy cơ tử vong tăng 40%, sự gia tăng này tỉ lệ uận với mức độ béo phì. Một nghiên cứu khác cho thấy 7,9% bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong phòng săn sóc tích cực (ICU) có chỉ số BMI trên 40, trong khi đó tỷ lệ chung trong dân số là 2,9%.

  1. Nguyên nhân nào làm người béo phì nhiễm COVID-19 dễ bị bệnh nặng?

Hiện tại bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh béo phì và COVID-19 vẫn chưa được làm rõ. Trước tiên, theo chúng tôi có thể có một số yếu tố đáng quan tâm như sự gia tăng hiện tượng viêm trong cơ thể người béo phì là một yếu tố nguy cơ cộng hợp làm gia tăng mức độ viêm trong cơn bão cytokine ở người nhiễm COVID-19. Người béo phì do sự gia tăng các chất béo trong máu làm tăng độ nhớt trong mạch máu sẽ hình dễ thành nhiều cục máu đông hơn, tạo tiền đề cho tắc nghẽn mạch máu gây ra thiếu máu gây tổn thương nhu mô phổi và các nơi khác như gây thiếu máu cơ tim, đột quỵ, tiêu chảy và nhiều vấn đề mà bệnh nhân COVID-19 nặng gặp phải. Mặt khác, những người bị béo phì thường có nhiều thụ thể ACE2 trên tế bào nhu mô phổi, đây được xem là cửa ngõ cho virus xâm nhập và lan ra khắp cơ thể và nhanh chóng nhân lên. Người thừa cân béo phì có nồng độ hormone adiponectin trong máu thấp hơn. Các nghiên cứu gần đây trên động vật cho thấy adiponectin giúp bảo vệ phổi, giữ cho các mạch máu sạch và thông thoáng. Vì vậy, nếu có sẵn nồng độ adiponectin thấp, người béo phì mắc Covid sẽ dễ bị viêm phổi.

                       Nguồn: https://health.clevelandclinic.org/heres-the-damage-coronavirus-covid-19-can-do-to-your-lungs/

Một vấn đề quan trọng khác là trên thực tế lâm sàng và cận lâm sàng, người béo phì không phải là người đủ hay dư thừa các chất như cảm nhận thông thường mà thường thiếu các chất dinh dưỡng có khả năng miễn dịch như thiếu chất kẽm, thiếu máu thiếu sắt, magie, canxi, vitamin D như người suy dinh dưỡng thường do chế độ ăn nhiều chất béo và chất bột đường nhưng không đầy đủ các nhóm chất.
Ngoài ra, nhiều trẻ béo phì gặp tình trạng thiếu chất trong giai đoạn có giảm ăn để kiểm soát cân nặng nhưng không bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều quan trọng cần lưu ý là sự thiếu hụt kẽm thường được quan sát thấy ở trẻ suy dinh dưỡng cũng như béo phì, mặc dù cơ chế cơ bản là khác nhau [1]. Một nghiên cứu khác ở Tây Ban Nha trong số 115 phụ nữ béo phì mắc bệnh cho thấy 74% trong số họ thiếu kẽm [2]. Gonçalves TJM & Cộng sự (Cs), (2021) [3] nghiên cứu trên 269 bệnh nhân nhiễm COVID trên người cao tuổi, BMI trung bình là 30,1 kg/m2, với 59,9% bệnh nhân bị thừa cân và béo phì cho thấy có 79,6% có nồng độ kẽm huyết thanh thấp, và nhóm có hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng là 56,5%.
Như thế có thể thấy nguy cơ bệnh trở nặng ở người béo phì bị nhiễm corona virus có mối liên quan đến việc thừa chất béo, thay đổi hormone và sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng miễn dịch.
        2.   Người thừa cân, béo phì cần làm gì trong phòng chống COVID-19?

Người thừa cân béo phì có nhiều nguy cơ gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng cholesterol, hẹp động mạnh vành tim do xơ vữa động mạch, hội chứng chuyển hóa, thoái hóa khớp…Vì thế, để phòng chống bệnh covid-19, người béo phì cần chữa các bệnh nền đi kèm, cần quan tâm đến hai yếu tố quan trọng nữa như sau:
  1. Áp dụng ngay chế độ giảm cân, trước tiên người bị thừa cân cần nhận rõ những mối nguy ấy để có quyết tâm và kiên trì áp dụng chế độ giảm cân. Bên cạnh chế độ tập luyện thể dục thể thao hàng ngày 30-45 phút, người thừa cân béo phì cần giảm ăn. Tùy mức độ béo phì, có thể giảm 20-40% năng lượng ăn vào và tập trung vào giảm chất béo và chất bột đường, ví dụ thường ngày mỗi ngày ăn 3 lần, mỗi lần ăn 1 chén cơm thì nên giảm còn dưới 2/3 chén mỗi lần ăn và giảm các món chiên, xào, thịt mỡ cùng với ăn nhiều các chất giúp chuyển hóa năng lượng là vitamin và khoáng chất và chất xơ có trong rau, củ, quả mỗi ngày ăn khoảng 300-400g.
  2. Bổ sung các chất dinh dưỡng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch dễ bị thiếu do giảm ăn để giảm cân với liều bổ sung trước khi ăn như kẽm, magie, canxi, vitamin C, vitamin D và các acid amin như tảo xoắn spirulina.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 028.39.700.886 hoặc đăng ký lịch khám trực tuyến Tại đây 
 
TS.BS. Nguyễn Thanh Danh
Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Tài liệu tham khảo
  1. Rios-Lugo MJ, Madrigal-Arellano C, Gaytán-Hernández D, et al. (2020) Association of serum zinc levels in overweight and obesity. Biol Trace Elem Res 198, 51–57.
  2. Astrup A, Bügel S. Overfed but undernourished: recognizing nutritional inadequacies/deficiencies in patients with overweight or obesity. Int J Obes 2019;43:219–32. 10.1038/s41366-018-0143-9 [PubMed]
  3. Gonçalves TJM, Gonçalves SEAB, Guarnieri A, et al. Association Between Low Zinc Levels and Severity of Acute Respiratory Distress Syndrome by New Coronavirus SARS-CoV-2. Nutr Clin Pract. 2021;36(1):186-191. doi:10.1002/ncp.10612.
 




 

Người viết: admin

Theo dõi