Bệnh sốt xuất huyết

Y học thường thức / 18.05.2021

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm, do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi Aedes aegypti.

 Muỗi Aedes aegypti có kích thước nhỏ, có chấm trắng ở chân, mình, và cánh, thích đốt và hút máu người vào ban ngày và lúc chập choạng tối. Muỗi thích đậu ở nơi mắc quần áo, các dây treo quần áo, dây điện, lọ hoa; thích đẻ trứng ở nơi nước sạch. Thời gian từ lúc bị muỗi chích đến lúc phát bệnh là từ 3 đến 14 ngày.
 

Sốt xuất huyết Dengue là gì? 7 điều có thể bạn chưa biết | Hapacol
                                                                                                                                      Ảnh minh họa: Internet

 
Tình hình dịch bệnh :
Ở nước ta, bệnh Sốt xuất huyết phát triển theo mùa, và có sự khác biệt theo miền:

  • Miền Bắc: Bệnh xảy ra nhiều từ tháng 7 đến tháng 9.
  • Miền Trung : Bệnh xuất hiện quanh năm và tần suất mắc bệnh nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 10.
  • Miền nam: Bệnh lưu hành cao nhất, quanh năm và trẻ em mắc bệnh nhiều hơn người lớn.
Theo dự báo, năm 2021 là năm chu kỳ bùng phát của dịch sốt xuất huyết.
 
Biểu hiện của bệnh:
Sốt: thường là sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40 độ, sốt liên tục , kéo dài. Sốt đi kèm với mệt mỏi, chán ăn và đau bụng.
Xuất huyết: xuất hiện từ ngày thứ 2 - 3 của bệnh, xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích. Xuất huyết có thể ra ở nhiều nơi trong cớ thể:
  • Xuất huyết ngoài da: biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết , hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu mũi, chảy máu nướu, xuất huyết kết mạc mắt , tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.
  • Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, tiêu ra máu .
Các biểu hiện khác: Đau cơ, đau khớp, nhức đầu... ở trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao.
Các biểu hiện nặng: Sốc là một diễn tiến nặng của bệnh sốt xuất huyết, sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này người bệnh cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời những biểu hiện nặng, bao gồm:
  • Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh nhớp mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm
  • Chảy máu mũi.
  • Chảy máu nướu răng.
  • Ói ra máu hoặc ra dịch màu nâu.
  • Tiêu ra máu hoặc tiêu ra phân đen.
  • Tiểu ra máu.
  • Hết sốt, nhưng li bì, vật vả hoặc bứt rứt , kích động.
  • Than đau bụng ngày càng tăng.
Khi xuất hiện một trong những biểu hiện nặng người bệnh cần được đưa ngay vào bệnh viện.
 
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà:
Khi không có những dấu hiệu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi, chăm sóc người bệnh tại nhà. Việc theo dõi và chăm sóc người bệnh cần được thực hiện liện tục cả ngày lẫn đêm, bao gồm các phần việc như sau:
- Dùng thuốc hạ sốt khi người bệnh sốt bằng hoặc trên 38 độ C. Nếu sốt dưới 38 độ C thì chỉ cần cho người bệnh mặc quần áo thoáng, uống nhiều nước. Trường hợp sốt quá cao (trên 39độ C), thì ngoài việc hạ sốt bằng thuốc, cần lau mát bằng nước ấm để nhiệt độ cơ thể giảm nhanh.
- Tránh cạo gió, cắt lễ ... vì như thế sẽ rất khó theo dõi tình trạng xuất huyết ngoài da.
- Dinh dưỡng:
  • Thức ăn: người bệnh cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường, vì vậy, nên chọn các món ăn mà người bệnh yêu thích, tăng thêm bữa phụ và không kiêng khem.
  • Nước uống: Lượng nước cần cung cấp cho người bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn người bình thường (do sốt cao liên tục dẫn đến mất nước qua da, niêm mạc nhiều). Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước cam, nước chanh tươi, nước chanh muối, nước dừa vì những loại nước này ngoài việc bù nước, còn chứa điện giải, vitamin C giúp thành mạch máu bền vững giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể. Cần chú ý khi làm nước trái cây phải bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là nước dừa: dừa phải được rửa sạch lớp vỏ bên ngoài,  dùng dao sạch, chọn nơi sạch để chặt, không chặt dừa dưới nền đất, hoạc nền sát đất dễ nhiễm bẩn.
Phòng bệnh sốt xuất huyết:
  • Dọn dẹp nhà gọn gàng, không treo quần áo bừa bãi, đặc biệt là quần áo đang mặc dở dang.
  • Thường xuyên dọn rác, vật dụng phế thải, chú ý những loại rác có khả năng chứa nước như lốp xe, hộp đựng các vật dụng, mảnh tô, chén bể, chum vại ...
  • Thay nước bình hoa mỗi ngày.
  • Thường xuyên cọ rửa chum vại 7 ngày/1 lần.
  • Thả cá bảy màu ăn lăng quăng nếu nhà có bể lớn chứa nước, các bể nước phải có nắp đậy.
  • Khi ngủ phải mắc mùng kể cả ban ngày, cho trẻ em mặc quần dài, áo dài tay.
  • Báo với y tế địa phương khi gia đình có người bệnh sốt xuất huyết, cơ quan phòng dịch sẽ thực hiện phun diệt muỗi để ngừa bệnh lan rộng tại địa phương.

 

 BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM


 

Theo dõi