Chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng

Y học thường thức / 04.05.2021

Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Bệnh thường gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm. Bệnh lây lan qua các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt của trẻ bị bệnh.


 

 
 
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng:

 

  • Sốt: có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39 - 40 độ .
  • Sang thương ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng da gần đầu gối và mông là các bóng nước, có đường kính 2 - 10mm, hình bầu dục hoặc hơi tròn, nổi cộm hoặc ẩn dưới da, không đau, khi bóng nước khô sẽ để lại vết thâm da.
  • Sang thương ở vòm họng, niêm mạc má, nướu răng, trên lưỡi là những vết loét đỏ, đường kính 2 - 3mm. Các vết loét này gây đau, rát làm bé không nuốt được nước bọt (nước bọt chảy ra ngoài liên tục), biếng ăn hoặc bỏ ăn.
  • Khó ngủ
  • Quấy khóc.
Các biểu hiện nặng của bệnh:
  • Sốt cao liên tục (trên 39 độ C)
  • Da nổi bông
  • Thở nhanh hơn bình thường
  • Run giật cơ hoặc tay chân lạnh.
  • Giật mình, chới với nhiều lần một cách bất thường
  • Bứt rứt, lừ đừ
Khi có một trong các biệu hiện nặng trên trẻ cần được nhập viện ngay.
 
Chăm sóc trẻ bệnh tại nhà:
  • Hạ sốt, giảm đau : Dùng Paracetamol từ 10 đến 15mg/kg cân nặng khi trẻ sốt từ 38 độ trở lên, khoảng cách giữ 2 lần dùng thuốc hạ sốt là 4 đến 6 giờ.
  • Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng (đánh răng hoặc dùng gạc rơ lưỡi sẽ làm trẻ đau nhiều hơn)
  • Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ đế giúp các vết loét ở niêm mạc mau lành.
  • Dùng kháng sinh theo toa Bác sĩ khi có bội nhiễm tại các vết loét.
  • Tái khám mỗi 1-2 ngày, trong 7 ngày đầu của bệnh.
  • Theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa bé vào bệnh viện.
 
Dinh dưỡng khi bệnh tay chân miệng:
Trẻ bị bệnh tay chân miệng rất biếng ăn, thậm chí bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vây, cần thực hiện những điều sau đây khi chăm trẻ:
  • Chọn thức ăn giàu năng lượng - mềm - mịn - mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét và giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng sau đợt bệnh. Thực phẩm ưu tiên chọn cho trẻ trong giai đoạn này là các loại sữa cao năng lượng dùng bổ sung ngay sau các bữa ăn chính; sữa chua, phô mai, bánh Flan, sinh tố, tàu hủ đường,... dùng trong bữa phụ; cần cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để tránh bị hạ đường huyết.
  • Tránh dùng những loại muỗng (thìa) có cạnh sắc bén để không làm đau các vết loét ở đầu lưỡi, nướu và môi khi cho trẻ ăn.
  • Khi hết bệnh (thường là sau 7 đến 10 ngày) hãy cho trẻ ăn lại bình thường, không kiêng khem.
 
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng:
  • Người chăm sóc cần rửa tay sạch trước cho trẻ khi ăn, sau khi tiếp xúc với các vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bị bệnh.
  • Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Cách ly trẻ bệnh (cho trẻ nghỉ học) để tránh tình trạng bệnh lây lan trong cộng đồng.

 
 
                                                                                                                                                        BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
                                                                                                                       Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM


 
 
 
 

 

 
 

 
 
 
 
 


                                                                                                                              

Người viết: admin

Theo dõi