Giữ dáng thời “Giãn cách”

Y học thường thức / 07.10.2021

Theo các nghiên cứu mới nhất, người béo phì mắc bệnh Covid có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi và khả năng phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) cao gấp ba lần so với người bệnh Covid có cân nặng bình thường. Vì vậy, giữ dáng trong thời giãn cách cũng là một cách giúp chúng ta vượt qua đại dịch an toàn.

Giãn cách dễ tăng cân?
 
Mặc dù tỷ lệ nhiễm Covid đã giảm nhiều ở tất cả các tỉnh thành so với đầu mùa dịch, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K, dễ thấy trong thời Covid người lớn lẫn trẻ nhỏ đều “tròn ra” trong thấy, chúng ta sẽ cùng lượt điểm qua các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “tròn ra” này:
 
- Bị hạn chế di chuyển – “Chỉ ra đường khi thật sự cần thiết”.
- Đi chợ một lần cho nhiều ngày nên dễ mua quá nhiều thực phẩm, sau đó phải sử dụng tăng tốc vì sợ hư và quá hạn dùng.
- Dự trữ thức ăn vặt để buổi tối ở nhà ăn đỡ buồn do đâu có được tung tăng ngoài  đường như “ngày xưa”.
- Bà nội trợ được dịp trổ tài làm các món ngon cho chồng con thưởng thức (đã lâu không làm bánh xèo, đã lâu không nướng bánh bông lan, đã lâu cả nhà không ăn chè …).
- Tập luyện cơ thể bị gián đoạn do nhà chật không đủ không gian.
 
Rõ ràng là so với trước thời giãn cách “Năng lượng đưa vào cơ thể có chiều hướng tăng lên, còn năng lượng tiêu hao trong ngày thì ít một chút!”, trở nên thừa cân – béo phì là chuyện dễ hiểu.
 
                                                                                                                 Ảnh minh họa: Internet
Bạn đã từng nghe về BMI? 
 
BMI là viết tắt của cụm từ Body Mass Index (chỉ số khối của cơ thể), chỉ số này thể hiện tính cân đối của cơ thể, vì vậy công thức để tính BMI có liên quan đấn cân nặng (tính bằng kg) và chiều cao (tính bằng mét):
 
                                                                      Cân nặng (kg)
                         BMI (kg/m2) = --------------------------------------------
                                                        Chiều cao (m) X Chiều cao (m)
 
Khi BMI của bạn nằm trong khoảng từ 18,5 đến 25, bạn được xem là đang có cân nặng nằm trong khoảng bình thường
Khi BMI đạt 21 – 22, có nghĩa là bạn đang sở hữu một thân hình cân đối, ở mức BMI này, bạn rất ít bị nhiễm bệnh, nếu có bệnh thì thời gian bệnh cũng ngắn hơn mọi người.  
 
Giải pháp nào giúp giữ dáng trong thời giãn cách?
 
Ăn tất cả – mỗi món một ít – Xen kẻ các bữa ăn đơn sơ với bữa ăn thịnh soạn:
Không thể từ chối sự nhiệt tình của bà nội trợ, không thể bỏ phí thực phẩm trong khi còn có người đói kém, giữ dáng cân đối cũng là hạng mục quan trọng, để đạt được cả 3 mục tiêu này, hãy cố gắng thực hiện những điều sau:
 
- Đi chợ có kế hoạch: hiện tại tần suất đi chợ cho gia đình được khuyến khích là 2 lần một tuần, vậy bạn hãy lên thực đơn trong 3-4 ngày và đi chợ mua thực phẩm theo thực đơn, trước khi đi chợ nhớ kiểm tra thực phẩm còn trong tủ lạnh để chỉ mua vừa đủ dùng.
- Tránh tư tưởng ăn no, ăn nhiều mới có sức khỏe và có sức đề kháng chống bệnh Covid.
- Nên ăn nhiều rau, trái cây hàng ngày để nhận đủ các dưỡng chất thiết yếu có chức năng bảo vệ cơ thể trong đại dịch. 
- Điều chỉnh năng lượng trong 3 bữa chính sao cho vừa đủ với năng lượng tiêu hao trong ngày, cụ thể là:
  •  Dùng xen kẻ các món ăn ít năng lượng với bữa ăn thịnh soạn: Món ít năng lượng là món được làm chủ yếu từ rau, củ, thịt nạc, cá nạc, tép, cua, lươn và sử dụng cách chế biến ít chất béo…, cụ thể như các món cuốn dùng nhiều rau, các món ăn có nhiều nước như cháo, súp, bún riêu, miến, nui, bánh canh...... Ví dụ: bữa trưa gia đình dùng món cà ri – bánh mì và sinh tố bơ, thì bữa sáng sẽ ăn món cháo gà và bữa tối sẽ dùng món cuốn rau thập cẩm với cá lóc hấp.
  • Dùng cách chế biến kho, hấp, luộc với tần suất nhiều hơn chiên ngập dầu, xào, quay hoặc các món ăn kèm nước sốt béo trong bữa ăn hàng ngày.
  • Chọn món ít năng lượng cho bữa phụ như: trái cây chứa nhiều nước, ngọt thanh (dưa hấu, thanh long, quýt đường, lê, táo, bưởi, cam...), sữa ít béo – ít đường, nước trái cây không đường, rau câu ít đường... 
  • Hạn chế các món ăn vặt giàu năng lượng như chè, nước trái cây có nhiều đường, nước ngọt, nước tăng lực, sầu riêng, xoài, trái bơ ăn với đường hoặc sữa đặc có đường, trái cây khô, mứt, các loại bánh trong thành phần có nhiều bơ, bắp xào, sô cô la...nếu trong bữa phụ dùng các món này thì đến bữa chính nên giảm suất ăn còn từ 1/2 đến 2/3 so với bữa ăn bình thường.
Chống tích lũy mỡ trong cơ thể bằng tập luyện:
  • Chọn những môn thể dục – thể thao có thể tập tại nhà: nhảy dây, chạy bộ tại chỗ, nhảy aerobic, khiêu vũ, chạy lên - xuống cầu thang, đu xà, hít đất, tập tạ ....
  • Thời gian tập từ 30 đến 60 phút mỗi ngày, có thể chia làm 2 lần tập trong ngày.
  • Tốt nhất là cả nhà cùng tập sẽ vui và dễ duy trì buổi tập hơn là tập một mình.
Ngủ đủ giấc để kiên cường vượt qua đại dịch:
 
Ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi ngày) sẽ giúp bạn đạt được trạng thái tinh thần khỏe mạnh dễ dàng vượt qua những khó khăn trong công việc, sẵn sàng thiết lập thói quen sinh hoạt mới có lợi cho sức khỏe trong trạng thái bình thường mới của xã hội.   
BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
Người viết: admin

Theo dõi