Y học thường thức / 13.12.2023
BS Đỗ Quỳnh Nga
Chuyên gia dinh dưỡng – Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
Tăng trưởng chiều cao – cải thiện tầm vóc là vấn đề đang được các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh cũng như các nhà quản lý quan tâm. Chiều cao – tầm vóc của một thế hệ thể hiện được chất lượng chăm sóc trẻ em, sự phát triển của xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao như di truyền, dinh dưỡng và lối sống. Với sự hiểu biết ngày càng cao của cha mẹ, các em bé đã dần có được chế độ ăn với dưỡng chất phù hợp cho việc tăng chiều cao. Tuy nhiên, nếu các bé sinh hoạt theo lối sống thiếu khoa học thì cũng không phát huy tối đa tiềm năng chiều cao.
Vậy những thói quen sinh hoạt nào ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng chiều cao?
Thứ nhất, ít vận động thể lực hoặc thể dục sai cách. Khi vận động, hoạt động chuyển hóa tăng, các khối cơ khối xương được kích thích tăng trưởng về khối lượng, kích thước. Với các độ tuổi khác nhau ta cần chọn những môn thể thao phù hợp với sinh lý từng giai đoạn. Ở độ tuổi dưới 18, trẻ cần phát triển xương dài, kéo dài đầu sụn tăng trưởng đến tăng chiều cao. Các môn thể thao như bơi lội, tập xà, bóng rổ, cầu lông là lựa chọn tốt. Trẻ chưa nên tập các môn như nâng tạ. Hạn chế tối đa lối sống tĩnh tại vì tăng nguy cơ béo phì từ đó thêm tác động xấu đến tăng chiều cao. Cha mẹ nên khuyên các bé vận động chạy nhảy trong giờ ra chơi ở trường, không nên ngồi trong lớp đọc sách và nói chuyện.
Thứ hai, ít hoạt động ngoài trời. Hoạt động ngoài trời góp phần tăng tổng hợp vitamin D3 cũng như kích thích hoạt động hormone tăng trưởng GH. Hiện nay, nhiều người thường lấy cớ sợ tác hại của tia UV và ô nhiễm môi trường để giữ con cái trong nhà. Chúng ta chỉ không nên cho trẻ chơi ngoài trời vào khoảng thời gian nắng mạnh cũng như khi chỉ số AQI ở mức cao. Ít hoạt động ngoài trời sẽ gây nhiều hậu quả trong đó khó ngủ và giảm đề kháng tác động xấu đến tăng chiều cao.
Thứ ba, giờ giấc ngủ không hợp lý làm chậm tăng chiều cao. Giấc ngủ rất quan trọng vì đây là lúc cơ thể tái tạo năng lượng và phục hồi sau một ngày làm việc. Đặc biệt, với trẻ em giấc ngủ là thời gian phóng thích hormone tăng trưởng GH. Nếu thiếu hormone này, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều bị ảnh hưởng, các xương không phát triển về chiều dài và độ dày, dẫn đến kết cục là kém tăng trưởng tầm vóc. Trẻ không nên ngủ muộn và dậy muộn. Thời điểm GH phóng thích mạnh là từ 10h đêm đến 2h sáng khi trẻ ngủ sâu. Vậy nếu bé ngủ từ 10h đêm trở đi thì thời gian ngủ sâu giảm, hormone GH không phóng thích đủ. Vào buổi sáng, bé nên thức dậy trước 7h. Ngủ dậy muộn cũng là thói quen xấu ảnh hưởng chiều cao.
Thứ tư, chế độ ăn nhiều đường cần loại bỏ nếu muốn tăng chiều cao. Trẻ nên hạn chế tối đa đồ uống có đường, thức ăn nhanh như nước ngọt có gas, soda. Đây là các loại thức ăn đồ uống làm yếu xương, giảm mật độ xương.
Thứ năm, hút thuốc lá thụ động. Khói thuốc không chỉ gây hại cho tim phổi mà còn ảnh hưởng đến các nội tiết tố có tác dụng làm tăng quá trình tạo xương và giảm tái hấp thu Calci ở thận.
Để trẻ phát huy tối đa tiềm năng chiều cao, cha mẹ cần cho trẻ uống sữa với đủ thành phần như đạm, Calci, Vitamin D3, Vitamin K2, Phospho, Magie, Vitamin A. Và đừng quên loại bỏ những thói quen sinh hoạt kém lành mạnh gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.
--------------
Hotline: (028)39 700 886
https://viendinhduongtphcm.org/vi/dat-lich-kham