Phòng bệnh tay chân miệng

Y học thường thức / 07.04.2021

Từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết nắng nóng đã xuất hiện rõ rệt và kéo dài ở khu vực Nam Bộ. Nhiệt độ cao cùng với khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm dễ dàng bùng phát thành dịch. Bên cạnh dịch sốt xuất huyết và thủy đậu thì số lượng trẻ bị tay chân miệng đang gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng.

Tình hình bệnh tay chân miệng
Tại TP. HCM, tính đến giữa tháng 3, toàn Thành phố ghi nhận hơn 2.500 ca tay chân miệng nhập viện, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các quận huyện đều có ca mắc tay chân miệng tăng cao ở mức báo động.
Bệnh tay chân miệng là tình trạng nhiễm virus cấp tính, dễ có biến chứng nguy hiểm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường gặp rải rác quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Bệnh lây lan mạnh trong tuần đầu nhiễm bệnh và kéo dài 2-3 tuần. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh cần được đưa đi khám sớm để xác định bệnh và cần được nghỉ học và theo dõi ít nhất là 10 ngày để bảo vệ chính bé và các bé khác cùng lớp học. Chỉ cần 1 bé mắc bệnh là có thể lây cho hàng chục tới hàng trăm bé ngoài cộng đồng.
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, dịch tiết bóng nước trên da, các hạt nước bọt và qua tiếp xúc với đồ ăn, thức uống, đồ chơi… giữa trẻ với trẻ và với cả người chăm sóc bị nhiễm virus.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng
Bệnh có biểu hiện điển hình là loét miệng (chảy nước bọt nhiều, quấy khóc, bỏ ăn…), nổi hồng ban bóng nước ở tay, chân, không sốt hay sốt nhẹ, lúc này có thể cho trẻ điều trị ngoại trú nhưng phải theo dõi tái khám với Bác sĩ hàng ngày. Trẻ cần được theo dõi sát và nhập viện ngay khi có các dấu hiệu trở nặng hay biến chứng thần kinh như: sốt cao, quấy khóc liên tục, giật mình hay chới với (2 lần/30 phút), run giật chi, yếu tay chân, nôn ói nhiều, bứt rứt hay li bì…

Triệu chứng Tay chân miệng qua 4 giai đoạn? Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ
                                                                                                                                                     Ảnh: Internet

Phòng bệnh tay chân miệng
Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc đặc trị, trẻ mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại nhiều lần. Vì vậy, việc phòng bệnh được xem là rất quan trọng.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Trẻ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, nhiều lần trong ngày.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi.
  • Thường xuyên lau sạch bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn các bề mặt (sàn nhà, mặt bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang), vật dụng và đồ chơi của trẻ.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trong các biện pháp phòng bệnh kể trên thì việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ và người chăm sóc trẻ thông qua việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch được xem là tiêu chuẩn vàng quan trọng nhất giúp phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả.
 

ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan
Phó Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Người viết: admin

Theo dõi