Giải pháp nào giúp mẹ giảm táo bón khi có thai

Bà mẹ mang thai và cho con bú / 01.10.2020

Táo bón không phải là bệnh mà là một triệu chứng phổ biến của thai kỳ. Hơn 50% số thai phụ đến khám thai tại các phòng khám than phiền về chứng táo bón. Tuy nhiên, hiểu biết về nguyên nhân và cách phòng tránh thì không phải chị em nào cũng hiểu rõ.

Nguyên nhân mẹ có thai hay bị táo bón

  • Do tăng nồng độ hormone progesterone: đây là nguyên nhân chủ yếu khi có thai, khiến giảm nhu động ruột, làm tiêu hóa thức ăn chậm lại dẫn đến táo bón.
  • Do cơ thể nặng nề, mệt mỏi khi mang thai làm chị em ít vận động, đi lại.
  • Do tình trạng buồn nôn và nôn (ốm nghén) làm mẹ bị mất nước nhưng chưa uống bổ sung đủ.
  • Do việc uống bổ sung các thuốc chứa chất sắt hay canxi hàng ngày của mẹ bầu gây tác dụng phụ.
  • Do thai to vào những tháng cuối của thai kỳ chèn ép lên đại tràng khiến chuyển động của ruột khó khăn.
  • Do chế độ ăn không cân đối, thiếu chất xơ, thói quen ít uống nước...
Các giải pháp giúp hạn chế táo bón khi có thai

Để giảm táo bón khi mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ một chế độ ăn uống thật sự khoa học và vận động hợp lý thường xuyên.

Tăng thêm chất xơ

Một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng với lượng lớn chất xơ sẽ giúp mẹ không chỉ nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hóa hấp thu, giúp thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ mắc ung thư ruột, giảm cholesterol máu, điều hòa đường huyết, mà còn giúp các lợi khuẩn trong đường ruột phát triển, giúp hệ tiêu hóa của mẹ khỏe mạnh hơn.

Chất xơ rất hiệu quả trong việc điều trị táo bón khi mang thai. Các nghiên cứu đã tìm thấy việc tăng các thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống của mẹ bầu giúp làm mềm phân, làm đại tiện dễ dàng hơn. Lượng chất xơ được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày khi mang thai là 25-28g/ ngày. 

Mẹ bầu cần tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày như các loại rau lá xanh, khoai củ, các loại đậu, hạt, các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, chuối, đu đủ chín, táo, thanh long,…các loại ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám.

Muốn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, phòng tránh táo bón, mẹ cũng đừng quên bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình các loại sữa dành cho mẹ mang thai có bổ sung chất xơ và các chất hỗ trợ tiêu hóa.

Nhớ uống nhiều nước

Bình thường, thành phần của phân chứa khoảng 75-78% nước. Nếu tỷ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% sẽ làm khối phân khó di chuyển và nếu giảm còn 20% thì khối phân hoàn toàn bị tắt.

Vì vậy, mỗi sáng ngay sau khi ngủ dậy, mẹ cần uống một ly nước đầy kích thích nhu động ruột và mỗi ngày nên uống 8-10 ly nước (khoảng 2,5-3 lít/ngày) bao gồm nước chín nguội, nước hoa quả, sữa có bổ sung chất hỗ trợ tiêu hóa… Nên uống nước ngay cả khi không khát. Tránh những đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà, nước có ga vì các thức uống này làm tăng mất nước.

Tập thể dục, vận động đi lại thường xuyên

Mẹ bầu cần tập thể dục, vận động nhẹ nhàng thường xuyên (đi bộ, bơi lội, yoga, các bài tập thể dục khi mang thai…) để vừa giúp khống chế tăng cân quá nhiều, dễ sinh nở, tinh thần thoải mái, vừa giúp giảm tình trạng táo bón. Trường hợp phải dùng thuốc nhuận tràng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ mẹ nhé!

ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan
Phó Chủ tịch KHCN Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM
 
 
Người viết: admin

Theo dõi