Bà mẹ mang thai và cho con bú / 01.10.2020
Táo bón là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất liên quan đến thời kỳ mang thai. Tại một số bệnh viện phụ sản, hơn 50% số thai phụ đến khám than phiền về chứng táo bón. Tuy nhiên, rất nhiều chị em trong số đó vẫn còn chủ quan, chưa biết cách điều trị và phòng tránh.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi hormone, do tăng nồng độ progesterone, làm giảm nhu động ruột, làm tiêu hóa thức ăn chậm lại dẫn đến táo bón. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần dẫn đến táo bón khi mang thai, đó là: thời kỳ mang thai khá nặng nề nên chị em ít vận động, tình trạng buồn nôn và nôn có thể làm giảm lượng nước tuần hoàn trong cơ thể, mẹ bầu thường xuyên uống bổ sung các thuốc chứa chất sắt hàng ngày để phòng chống thiếu máu gây tác dụng phụ, hoặc do thai to vào những tháng cuối của thai kỳ chèn ép lên đại tràng khiến chuyển động của ruột khó khăn...
Ảnh hưởng của táo bón lên mẹ bầu và thai?Táo bón ở giai đoạn mang thai rất dễ gây ức chế cho mẹ, làm mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, dễ cáu gắt, chướng bụng, chán ăn kéo dài, thậm chí suy kiệt… dẫn đến không cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi thai, làm thai nhi chậm phát triển, dễ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng.
Táo bón có thể phát triển thành bệnh trĩ ở mẹ. Ngoài ra, tình trạng phân tồn tại lâu trong đường tiêu hóa sẽ làm cơ thể tái hấp thu nhiều chất thải độc hại, gây nhiễm độc ngoài ý muốn cho cả mẹ và thai.Cách giảm táo bón khi mang thai để giúp thai phát triển khỏe mạnh
Để giảm táo bón khi mang thai, mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống khoa học và vận động hợp lý.Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ không chỉ có tác dụng nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hóa, tham gia thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ mắc ung thư ruột, giảm cholesterol máu, điều hòa đường huyết, mà còn là nguồn thức ăn giúp các lợi khuẩn đường ruột phát triển, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.Chất xơ rất hiệu quả trong việc điều trị táo bón khi mang thai. Các nghiên cứu đã tìm thấy việc tăng các thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống của mẹ bầu giúp làm mềm phân, làm đại tiện dễ dàng hơn. Lượng chất xơ được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày khi mang thai là 25-28g/ ngày.
Mẹ bầu cần tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày như các loại rau lá, khoai củ, các loại đậu, hạt, các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, chuối, đu đủ chín, táo, thanh long…, các loại ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám hay sữa có bổ sung chất xơ và các chất hỗ trợ tiêu hóa.Tập thể dục và uống nhiều nước
Các nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ khi mang thai có thể chống lại táo bón bằng cách tập thể dục thường xuyên và uống nhiều nước.Bình thường, thành phần của phân chứa khoảng 75-78% nước. Nếu tỷ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% sẽ làm khối phân khó di chuyển, nếu giảm còn 20% thì khối phân hoàn toàn bị tắt.
Vì vậy, mỗi sáng ngay sau khi ngủ dậy, mẹ cần uống một ly nước để giúp kích thích nhu động ruột và mỗi ngày nên uống ít nhất 6 - 8 ly nước (nước chín nguội, nước hoa quả, sữa có bổ sung chất hỗ trợ tiêu hóa …). Nên uống ngay cả khi không khát và tránh những đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà, nước có ga.Mẹ bầu cần tập thể dục, vận động nhẹ nhàng thường xuyên (đi bộ, bơi lội hay yoga…).Trường hợp phải dùng thuốc nhuận tràng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ mẹ nhé.
ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan
Phó Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM