Đái tháo đường nỗi lo không của riêng ai

Đái tháo đường / 19.10.2020

Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng và trở thành hiểm họa của sức khỏe cộng đồng. Bệnh liên quan đến tình trạnh gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi, thanh niên 20 - dưới 30 tuổi tại một số bệnh viện.

Nhận biết đái tháo đường bằng cách nào?

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường dựa vào xét nghiệm đường trong máu, xác định bệnh khi đường máu lúc đói ≥ 126mg/dL hoặc đường máu bất kỳ ≥ 200mg/dL. Bệnh thường diễn biến âm thầm, do đó để không bỏ sót bệnh nên tầm soát giúp chẩn đoán sớm, nhất là trong các trường hợp sau:

  • Có các dấu hiệu điển hình của tăng đường huyết như khát và uống nhiều, tiểu nhiều, mau đói, thèm ăn, ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh, mệt mỏi uể oải toàn thân, hoa mắt, chóng mặt…nên đến bệnh viện khám ngay để được kiểm tra lượng đường trong máu.
  • Không có bất kỳ triệu chứng nào thì nên xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm ở người từ 45 tuổi trở lên.
  • Những người có nguy cơ mắc đái tháo đường cao nên xét nghiệm đường máu định kỳ thường xuyên hơn (3-6 tháng/lần) như người thừa cân béo phì, béo bụng, người có người thân ruột thịt bị đái tháo đường, phụ nữ sinh con > 4kg, người rối loạn lipid máu…

Biện pháp điều trị đái tháo đường

Phương pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát tốt bệnh đái tháo đuờng mà không thể điều trị tiệt căn được. Ba biện pháp kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường là thuốc hạ đường huyết, chế độ dinh dưỡng và vận động.

Trong đó, chế độ dinh dưỡng và vận động có vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát bệnh, giúp ổn định đường huyết tốt, có thể hỗ trợ giảm liều thuốc hạ đường huyết hoặc không dùng thuốc trong một số trường hợp.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

Mục tiêu dinh dưỡng trong điều trị giúp đường huyết đạt gần với trị số bình thường (70-130 mg/dL lúc đói), đảm bảo mức cân nặng hợp lý ở người trưởng thành, giúp phòng ngừa các biến chứng hoặc các rối loạn liên quan đến dinh dưỡng. Người bệnh đái tháo đường nên:

  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, không được bỏ bữa, nên ăn chậm nhai kỹ.

  • Chia làm nhiều bữa ăn trong ngày

  • Ăn vừa đủ các thực phẩm giàu chất bột đường.

  • Chọn thực phẩm ít gây tăng đường huyết (chỉ số đường huyết thấp) như gạo lức, đậu đỗ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt.

  • Nên đa dạng thực phẩm: 15 - 20 loại mỗi ngày.

  • Chọn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa dành cho người đái tháo đường hoặc sữa không đường, không béo.

  • Hạn chế thức ăn gây tăng đường huyết (chỉ số đường huyết cao) như bánh kẹo, nước ngọt, chè, trái cây ngọt...

Hạn chế thức ăn nhiều béo (da, mỡ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng), thức ăn chiên xào.

Giảm ăn mặn, hạn chế thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như mì tôm, chả giò, khô, tương, chao...

Hạn chế rượu, bia

Vận động giúp ổn định đường huyết

Vận động giúp tăng cường hoạt động các cơ quan, tăng sử dụng đường trong cơ thể, giúp giảm đường huyết và giảm nhu cầu dùng thuốc. Đồng thời còn giúp đốt cháy mỡ thừa giúp giảm cân ở người thừa cân béo phì.

Nên vận động phù hợp với sức khỏe và tuổi tác, vận động thường xuyên ít nhất 150 phút/tuần, các môn thể dục thích hợp như đi bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh…

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Người viết: admin

Theo dõi