Vui sống cùng bệnh tiểu đường

Đái tháo đường / 05.05.2021

​Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đường gây tăng đường huyết mãn tính kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. Hậu quả về lâu dài của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn dẫn tới các biến chứng như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, xuất huyết võng mạc, bệnh mạch vành dẫn đến suy tim, tổn thương thận, vết thương hoại tử lâu lành... Không như những bệnh lý khác, việc điều trị có thời hạn thì đái tháo đường là một bệnh mà người bệnh phải chung sống với bệnh suốt đời.

Tuân thủ điều trị
Là bệnh mãn tính chưa có phương pháp điều trị khỏi hẳn sau một hoặc vài đơn thuốc, người bệnh phải được điều trị, theo dõi suốt đời. Vì vậy, người bệnh phải xác định chấp nhận sống chung với bệnh một cách tích cực, đó là cách tốt nhất để đạt hiệu quả tối ưu điều trị căn bệnh này.
Thay vì lo lắng, buồn rầu khi phát hiện mắc bệnh tiểu đường, hãy bình tĩnh và lập kế hoạch sống chung với bệnh. Người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xét nghiệm đầy đủ, xác định mức độ bệnh, tình trạng biến chứng có hay chưa, nếu có thì đã bị biến chứng gì... khi đó bác sĩ sẽ tư vấn đầy đủ tình trạng bệnh, chế độ dinh dưỡng, vận động, thuốc men, tái khám... Tuân thủ điều trị và tự chăm sóc bản thân là cách tốt nhất để người bệnh vui sống cùng bệnh tiểu đường.
 
Những loại hạt tốt cho người già tốt nhất tại Linh Đan
                                                                                                                                                          Ảnh minh họa: Internet
 
Tự chăm sóc
Việc tự chăm sóc bản thân quyết định kết quả điều trị, giúp ổn định đường huyết lâu dài, hạn chế các biến chứng.

Chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng ở bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2. Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể kiểm soát tốt đường huyết mà không cần dùng thuốc hoặc giảm liều thuốc đang dùng và giảm thiểu các biến chứng do tiểu đường gây ra.
            - Nên ăn nhiều loại thực phẩm (15 - 20 loại) để cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng.
            - Ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn, ăn 3 bữa chính và 1 - 3 bữa phụ.
            - Nên dùng thực phẩm ít gây tăng đường huyết: gạo lức, đậu đỗ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt.
            - Nên ăn thịt cá nạc, đậu hũ, sữa chua, sữa (không béo, không đường), tốt nhất dùng thực phẩm ăn kiêng cho người tiểu đường.
            - Giảm ăn các thực phẩm gây tăng đường huyết: bánh kẹo, chè, trái cây ngọt...
            - Giảm các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu: da, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, kem, thức ăn chiên xào...
            - Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: mì gói, chả lụa, mắm, khô, tương, chao...
            - Giảm uống rượu bia, nước ngọt, nước ép trái cây ngọt.

Theo dõi cân nặng
Có kế hoạch giảm cân, giữ cân nặng lý tưởng trong giới hạn bình thường, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5 - 24,9
BMI tính theo công thức:
                        BMI = Cân nặng (kg) / Chiều cao x Chiều cao (m).
 
Tăng cường vận động
            Vận động giúp tăng sử dụng năng lượng, chất béo, đường, giúp hạ đường huyết, giảm mỡ máu và giảm cân. Vận động giúp cải thiện chức năng tim phổi, phòng ngừa teo cơ ở người lớn tuổi. Vận động còn tạo cảm giác khỏe khoắn, giảm lo lắng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
            Nên vận động thường xuyên 3 - 5 ngày trong tuần, vận động mức độ nhẹ nhàng và trung bình, kéo dài 20 - 30 phút mỗi ngày. Có thể tham gia những môn thể thao mình yêu thích nhưng phải phù hợp độ tuổi và sức khỏe, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Những môn thích hợp ở người bệnh tiểu đường như đạp xe, đi bộ, bơi lội, dưỡng sinh...
            Nên mang theo bên người thức ăn có đường để phòng hạ đường huyết, nhất là trong thời gian vận động, nên vận động 2 - 3 giờ sau khi ăn, tránh vận động lúc bụng đói. 

Theo dõi đường huyết
            Cũng là một biện pháp trong chăm sóc bệnh tiểu đường, tùy vào giai đoạn của bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cách tự theo dõi đường huyết, thông thường có thể theo dõi đường huyết lúc đói hàng ngày khi đã điều trị ổn định. Trường hợp chưa ổn định có khi bạn phải theo dõi nhiều lần trong ngày, theo dõi đường huyết lúc đói, sau ăn 2 giờ... theo chỉ định của thầy thuốc. Hiện nay trên thị trường có bán các loại máy đo đường huyết cầm tay rất thuận lợi cho người bệnh trong việc theo dõi chỉ số này.

Chăm sóc bàn chân
Trong các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thì bàn chân tiểu đường là một biến chứng hay gặp, nếu không được chăm sóc tốt có thể bị cắt cụt chi do biến chứng này, nguyên nhân là do tổn thương thần kinh, tổn thương vi mạch hoặc nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý chăm sóc bàn chân gồm:
                  - Kiểm tra bàn chân hàng ngày, quan sát kỹ bàn chân và các kẽ ngón chân, tìm các vết nứt trên da, vết phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên chân.
                  - Vệ sinh chân hàng ngày, rửa sạch với nước ấm và xà phòng trung tính, không dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh, lau khô chân ngay sau khi rửa.
                  - Cắt móng chân gọn gàng, không để móng dài, không cắt móng quá ngắn tận vào gốc móng. Nếu có các cục chai, không được tự ý cắt bỏ hoặc dùng dao cạo,...mà phải đến bác sĩ để được tư vấn.   
                  - Giữ cho mạch máu được lưu thông, đặt chân ở tư thế ngang khi ngồi, không bắt chéo chân trong thời gian dài, không đi tất chật, giày dép chật, cứng... nên đi giày dép vừa chân, mềm, thoáng, kể cả giày dép đi trong nhà. Các hình thức luyện tập như chạy bộ, bơi lội, đạp xe rất tốt cho việc giúp lưu thông mạch máu ở bàn chân. Không nên để chân trần tiếp xúc với bề mặt nóng như cát nóng, bề mặt xi măng ngoài trời nắng. Tuyệt đối không dùng giày cao gót và các trang sức ở bàn chân.
Việc xây dựng lối sống lành mạnh, kết hợp ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, tự chăm sóc tốt bản thân sẽ góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, phòng ngừa các biến chứng, giúp người bệnh sống vui, sống khỏe .
 
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Theo dõi

028.39.700.886