Người bệnh đái tháo đường ăn tết như thế nào?

Đái tháo đường / 05.05.2021

Ngày Tết là dịp để gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau, tận hưởng những bữa cơm ấm cúng cùng với người thân. Thịt kho, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa kiệu, mứt,.... là những những món ăn truyền thống trong ngày Tết, nhưng đây lại là “ác mộng” của những người đang mắc bệnh đái tháo đường. Làm sao để tận hưởng những ngày Tết vui vẻ nhưng vẫn giữ được mức đường huyết an toàn, bảo đảm sức khỏe?

Trong những ngày Tết, con cháu viếng thăm rất nhiều và bất kể giờ giấc, vì thế sinh hoạt thường ngày của các ông bà dễ bị đảo lộn. Cho dù vậy, người bệnh vẫn phải nhớ ăn đúng giờ và đủ bữa để tránh xảy ra những cơn hạ đường huyết nguy hiểm.
Bánh chưng, bánh tét, bánh tráng, thịt kho là những món ăn có đủ các dưỡng chất cần thiết như tinh bột, đạm, béo;  vì vậy, người bệnh vẫn có thể ăn chung cùng gia đình, chỉ cần chú ý ăn bằng với số lượng thực phẩm trong khẩu phần ăn của mình như ngày thường.
Ví dụ, nếu ngày thường mỗi bữa ăn mỗi bữa một chén cơm thì ngày Tết nếu không ăn cơm có thể thay thế bằng 5-6 cái bánh tráng cuốn với thịt kho rau ghém, hoặc một góc tám bánh chưng loại một ký là đủ, lưu ý cần có thêm nhiều rau trong bữa ăn để đủ lượng chất xơ làm chậm hấp thu đường vào máu.
Với món thịt kho nên chọn phần nạc bỏ da, pha loãng phần nước chấm và chấm nông để tránh đưa vào cơ thể quá nhiều muối.
Củ kiệu, dưa hành, dưa món là những món ăn có chứa nhiều đường và muối; giò thủ, thịt đông không những chứa nhiều muối mà còn nhiều chất béo không có lợi cho sức khỏe, người bệnh nên tránh các thực phẩm này.
Bánh, kẹo, mứt, bia rượu, các loại nước ngọt… là những thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện dễ làm tăng đường trong máu cũng nên tránh.

Dù tiền đái tháo đường chỉ là một dạng rối loạn và không được xem là bệnh  tiểu đường. Nhưng nếu người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết và có lối
                                                                                                                                 Ảnh minh họa: Internet

 

Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chuyên biệt dành cho người bệnh đái tháo đường như bánh kẹo, sữa, cà phê, nước ngọt “sugar free”với chỉ số đường huyết thấp (GI dưới 50) sử dụng an toàn cho người bệnh đái tháo đường, các bạn trẻ có thể mua làm quà biếu cho ông bà, cha mẹ dùng vào những ngày Tết sẽ an toàn hơn.
Ngoài ra, trái cây mùa này cũng rất phong phú với nhiều loại quả như xoài, mãng cầu, cam, quýt, mận, bưởi, đu đủ… là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất rất cần cho mọi người nhất là những người lớn tuổi,  một người ăn khoảng 200 - 250g trái cây mỗi ngày là đủ. Trái cây nên rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng ăn sẽ tốt hơn xay nhuyễn hay ép lấy nước uống.
Cùng với chế độ ăn, người bệnh cũng nhớ uống thuốc hay tiêm insulin đầy đủ theo sự chỉ dẫn hàng ngày của thầy thuốc, nên xóa bỏ tâm lý dị đoan, “ngày Tết kiêng uống thuốc” sẽ rất nguy hiểm.
Ăn Tết đầy đủ nhưng vẫn an toàn sức khỏe cho mọi người, nhất là những người lớn tuổi đang mắc bệnh đái tháo đường mới thật sự là vui Xuân trọn vẹn.  

BS CK 1. Nguyễn Thị Ánh Vân
Chuyên gia Dinh dưỡng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Theo dõi

028.39.700.886