Đái tháo đường / 19.10.2020
Hàng ngày cơ thể mất một lượng nước qua hoạt động thở, tiêu hóa, bài tiết… chúng ta bù lại lượng nước mất này bằng cách ăn, uống nước và các thức uống, điều này xem ra rất đơn giản với người bình thường, nhưng với người bệnh đái tháo đường thì không dễ chút nào!
Tạo hương vị cuộc sống bằng các loại nước uống zero – calorie:
Ngoài nước đun sôi để nguội, nước suối, nước tinh khiết… người bệnh đái tháo đường có thể tự làm ra các loại thức uống zero - calorie hoặc chứa rất ít đường sau đây:Nước trái cây – thảo mộc: cho một ít lát, miếng trái cây tươi hoặc thảo mộc vào nước để tạo mùi thơm; cũng có thể phối hợp cả 2 lại như dùng quả mâm xôi với bạc hà, dưa hấu với rau húng quế… trái cây ở dạng lát hoặc nguyên miếng sẽ không làm tăng năng lượng của ly nước, trừ khi bạn nghiền nhuyễn hoặc ăn luôn miếng trái cây thì mới phát sinh thêm năng lượng trong ly.
Soda không đường: Đây là lựa chọn để thay thế dần thói quen uống soda có đường, nó giúp bạn đỡ thèm, có thể tạo mùi thơm cho ly soda bằng vài lát trái cây hoặc bằng các loại thảo mộc tạo mùi thơm (bạc hà, hương thảo, húng tây…)Nước trà là loại nước uống zero - calorie, nhưng lại có hương thơm đa dạng và đặc trưng, có thể uống nóng hoặc uống lạnh. Cần nhớ là khi dùng trà pha sẵn đóng hộp (chai) phải kiểm tra thành phần (Nutrition facts) để tránh các loại có thêm đường hoặc chất tạo vị ngọt.
Cà phê: Cũng giống như trà, cà phê đơn thuần không chứa đường và calories, cần thận trọng khi dùng cà phê đóng chai (hộp) vì đa số có chứa rất nhiều đường và sữa.Chọn đúng thức uống có lợi cho sức khỏe:
Nước trái cây: Do chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ nên trái cây mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giảm táo bón, hỗ trợ tiêu hóa…
Sữa: Đây là thực phẩm cung cấp đạm (protein), canxi, vitamin D… nhưng cũng giàu năng lượng, chất bột đường và chất béo no. Để tận dụng những lợi cho sức khỏe của loại thức uống này, hãy chọn sữa có chỉ số đường huyết thấp (GI < 55).
Những loại thức uống càng ít dùng càng tốt:Người bệnh đái tháo đường tốt nhất là không dùng các loại thức uống có đường như nước ngọt, sodas thêm đường, nước uống thể thao, trà đường, trà sữa, cà phê có đường, cà phê sữa...
Nước uống tiết chế (Diet drinks) không chứa calorie, không làm tăng đường máu và kiểm soát được cân nặng nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học về mức độ an toàn của chúng đối với người dùng.
Rượu còn tác động đến chuyển hóa glucose trong gan nên sẽ làm tăng đường huyết đột ngột hoặc gây hạ đường huyết cần phải cấp cứu.
BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM