Dinh dưỡng trong giai đoạn mãn kinh

Người cao tuổi / 22.05.2021

Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ lứa tuổi từ 45-50. Trong quá trình mãn kinh, người phụ nữ thường có những thay đổi về tâm - sinh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc, cũng như có những nguy cơ mới về sức khỏe có thể xảy ra.

Ảnh hưởng của thời kỳ tiền mãn kinh đến sức khỏe của phụ nữ như thế nào?
                                                                                                                                 Ảnh minh họa: Internet

             Diễn tiến qua 2 giai đoạn
            Mãn kinh thường diễn tiến qua 2 giai đoạn:
- Tiền mãn kinh: thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 - 50, có thể kéo dài 2 - 3 đến 5 năm, do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ (Estrogen và Progesteron), dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài, dây dưa. Tuy nhiên, độ tuổi bắt đầu có dấu hiệu tiền mãn kinh cũng thay đổi tuỳ theo từng người và có liên quan đến nhiều yếu tố: di truyền, thể trạng gầy hay béo, tiền căn về dậy thì và sinh dục. Một số trường hợp các dấu hiệu này xuất hiện rất sớm sau 35 tuổi, hoặc có một số người có kinh nguyệt đều đặn đến sau 50 tuổi.
- Mãn kinh thật sự: thường ở lứa tuổi từ 50 - 55, do buồng trứng ngưng hẳn hoạt động và ngưng tiết nội tiết tố nữ, dẫn đến kinh nguyệt mất hẳn.

Thay đổi nội tiết tố khi mãn kinh
Trước tuổi mãn kinh, buồng trứng hoạt động theo chu kỳ hàng tháng và chế tiết ra các nang noãn, đồng thời phóng thích các hormon như estrogen và progesteron đi vào máu làm cơ sở cho sự thụ thai. Ðến tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, về mặt nội tiết những thay đổi ấy rất sâu sắc gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người phụ nữ, bao gồm:
- Sự suy sụp lượng estrogen trong máu, nhất là estradiol.
- Sự gia tăng các kích dục tố do tuyến yên tiết ra khi không còn sự kiềm chế của hoạt động buồng trứng.
Dấu hiệu nhận biết tuổi mãn kinh
- Dấu hiệu tiền mãn kinh hay gặp nhất là cơn bốc hoả (cảm giác nóng bức, bứt rứt, toát mồ hôi...), kinh nguyệt không đều, thay đổi tính tình, hay quên, cáu gắt, nhiều khi rơi vào trầm uất...  
- Tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gắt, tóc khô, rụng, dễ gãy, da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da. Âm hộ, âm đạo bị teo dần làm người phụ nữ sợ giao hợp vì đau đớn. Tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói bị ồ, lông chi mọc nhiều hơn...
- Dễ mắc một số bệnh như loãng xương, bệnh lý mạch vành, huyết áp, ung thư, thừa cân béo phì, nám da do rối loạn sắc tố… 

            Nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
Bình thường oestrogen có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương. Phụ nữ sau khi mãn kinh, hoạt động của buồng trứng ngưng lại, vì không có estrogen nên các tế bào hủy xương tăng hoạt tính. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khối lượng xương sẽ mất đi từ 2 - 4% mỗi năm trong suốt 10 đến 15 năm đầu sau mãn kinh.
Khối lượng xương của đa số phụ nữ từ 65 tuổi giảm từ 30 đến 50%, có người chỉ còn không tới 30% khối lượng xương. Chính vì vậy, ở phụ nữ sau tuổi 65 thường gặp các biến chứng nặng của loãng xương như gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay... hơn hẳn nam giới cùng tuổi.

            Chú ý trong dinh dưỡng
- Không nên đợi đến giai đoạn tiền mãn kinh mới chú ý về dinh dưỡng mà phải bắt đầu rất sớm từ trước đó, để chuẩn bị sẵn kho dự trữ các dưỡng chất thiết yếu cần cho giai đoạn này. Nhằm hỗ trợ cho chị em giảm bớt các hậu quả nhất là trên bộ xương và hệ thống tim mạch. Nếu đã chuẩn bị một bộ xương tốt, tốc độ loãng xương sẽ giảm kéo theo giảm các biểu hiện khác liên quan đến thiếu canxi như hư răng, thoái hoá cột sống và các khớp, thay đổi vóc dáng và hoạt động của hệ thống cơ bao gồm cả cơ tim và cơ trơn thành mạch máu. Nếu đã có chế độ dinh dưỡng và tập luyện cân đối và phù hợp từ giai đoạn sớm sẽ giảm nguy cơ tổn thương trên khớp, thành mạch máu… tức là cũng giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch ở giai đoạn tiền mãn kinh.
- Các biểu hiện của giai đoạn này không phải do thiếu dinh dưỡng, mà là do thiếu nội tiết tố buồng trứng, nên để giải quyết chính xác thì cần dùng nội tiết tố buồng trứng để thay thế. Tuy nhiên, việc có nên sử dụng và sử dụng nội tiết tố như thế nào chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới quyết định được. Bản thân chị em chỉ nên bổ sung estrogen tự nhiên bằng thực phẩm chế biến từ đậu nành trong ăn uống hàng ngày.
- Chị em trong độ tuổi này cần lưu ý khẩu phần ăn của mình: Giảm thức ăn béo, ngọt. Tăng cường các thức ăn giàu vitamin và chất khoáng: đậu đỗ, rau trái cây tươi... Tăng các thực phẩm chức năng tự nhiên: rong biển, gia vị, nha đam tươi…Tăng cường sữa trong khẩu phần để cung cấp đủ canxi, giúp ngăn chặn sự mất xương và làm giảm nguy cơ loãng xương hoặc giảm độ nặng của loãng xương.
- Thận trọng trong việc tẩm bổ bằng các thực phẩm được cho là bổ dưỡng trong dân gian như yến, sâm, nấm linh chi, gà ác tiềm thuốc bắc…Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng vì đôi khi việc lạm dụng các thức ăn này làm tăng thêm gánh nặng cho hoạt động chuyển hóa, cho các cơ quan như gan, thận do tăng đạm, tăng béo trong khẩu phần bởi bản chất của sản phẩm, do cách chế biến, nếu dùng thì nên xem là một phần trong chế độ ăn chung chứ không nên dùng thêm như là thức ăn bổ dưỡng dễ làm tăng nguy cơ béo phì, suy chức năng gan, thận ...
- Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Không nên hút thuốc lá, uống rượu... Khám sức khỏe định kỳ cũng như khi có những rối loạn trong cơ thể, cần đến ngay các phòng khám phụ khoa, bệnh viện phụ sản để khám và chữa trị kịp thời.

 

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Theo dõi