Người cao tuổi và chuyện ăn uống

Người cao tuổi / 22.05.2021

Con người già từ lúc nào? Già là lẽ tự nhiên nhưng đến lúc nào thì ta thực sự già? Thật ra không có mức tuổi cụ thể để xác định tuổi già. Quá trình lão hóa bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như văn hóa, xã hội, mức độ hoạt động và tình trạng sức khỏe của từng cá thể. Các nhà lão khoa có các quan niệm khác nhau về khái niệm tuổi như tuổi tự nhiên, tuổi tâm lý, tuổi sinh lý… Trong đó tuổi sinh lý phản ánh sức khỏe con người gần nhất, tuy nhiên mỗi người tuổi già mỗi khác, không phải ai cũng giống ai.

Khẩu vị người có tuổi.
Có một quy luật chung về sinh lý, người tuổi cao thì răng không còn chắc chắn và đầy đủ, sức nhai kém. Việc cảm nhận về vị giác như mặn, ngọt, chua, cay,… về khứu giác như mùi thơm của thức ăn, về thị giác như màu sắc, hình dạng thức ăn, về thính giác như nhai thức ăn có giòn không…hầu như đều bị giảm ở những mức độ khác nhau. Khẩu vị của người cao tuổi cũng khác, thường có xu hướng ăn mặn, không thích chua cay.

Nguyên tắc ăn uống người cao tuổi cần ghi nhớ để có một sức khỏe tốt
                                                                                                                                           Ảnh minh họa: Internet



Dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe người cao tuổi.
- Vì là răng đã kém, hệ tiêu hóa cũng không còn khỏe như người trẻ, do đó chế biến thực phẩm phải đảm bảo “mềm”, từ cơm, thịt, cá kho, nấu canh, rau luộc, … đều phải thật mềm.
- Không nên ăn mặn, thông thường người già, đặc biệt các cụ ở nông thôn có thói quen ăn mặn, cần phải thay đổi từ từ để thích nghi, vì ăn lạt có lợi cho sức khỏe, phòng tránh được nhiều bệnh tật như suy tim, cao huyết áp, bệnh thận… Chỉ nên nêm vừa, thậm chí rất nhạt nếu đã mắc các bệnh trên. Thường giới hạn lượng muối hàng ngày không quá ½ muổng cà phê (# 3 - 5g/ ngày), nếu sử dụng nước mắm, nước tương thì phải giảm lượng muối hơn nữa.
- Không nên ăn quá chua hoặc quá cay vì gây mất cảm giác ngon do gai lưỡi đã thoái hóa nhiều, đồng thời có thể kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị gây khó chịu, đặc biệt những người có bệnh lý về dạ dày.
- Không nên ăn quá ngọt vì việc bài tiết insulin ở người có tuổi giảm nên chuyển hóa đường cũng kém và nguy cơ tiểu đường cũng cao hơn.
- Thức ăn chế biến phải thơm, ngon, ấm nóng, thay đổi thực đơn hàng ngày, trình bày bữa ăn thật bắt mắt để kích thích sự thèm ăn, giúp các cụ ăn ngon miệng. Nên chia nhỏ các bữa ăn, tăng cường các bữa phụ, không nên ăn quá no trong một bữa, giúp điều hòa hoạt động của hệ tiêu hóa và thức ăn sẽ được hấp thu tốt hơn.
- Tăng cường rau xanh, quả chín vào khẩu phần ăn của các cụ để cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết, đặc biệt là chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón. Chất xơ có trong vỏ cám, gạo, các loại đậu… còn giúp cơ thể giảm hấp thu cholesterol, làm chậm hấp thu đường vào máu, góp phần làm giảm tình trạng xơ vữa động mạch và giúp ổn định mức đường huyết ở người bệnh tiểu đường.
- Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống từ 6 - 8 ly, dù không có cảm giác khát, có thể nước đun sôi để nguội, nước suối, nước chè tươi,…giúp cơ thể thanh lọc tốt, đảm bảo sức khỏe, ngăn ngừa táo bón.
- Một điều quan trọng nữa là nguy cơ loãng xương rất cao ở người cao tuổi do quá trình tạo xương rất kém, quá trình mất xương xảy ra nhiều hơn, do đó cần cung cấp đủ nhu cầu canxi bằng các loại thức ăn như cá nhỏ kho rục ăn cả xương, tôm, cua, các loại hải sản, uống sữa …
- Cần thiết phải bổ sung trong chế độ ăn của các cụ các loại sữa hoặc thực phẩm dinh dưỡng phù hợp từ 2 - 3 ly mỗi ngày, đây là những loại thực phẩm cao năng lượng, giàu canxi, vitamin và khoáng chất, dễ uống, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, rất phù hợp với người cao tuổi.
Như vậy chúng ta cần nắm một số thay đổi về sinh lý ở người cao tuổi cũng như những đặc điểm chung về ăn uống của các cụ. Trên cơ sở hiểu biết những thay đổi,những sự khác biệt so với người trẻ, những bệnh lý thường gặp để đảm bảo các cụ có những bữa ăn ngon, hợp khẩu vị, đầy đủ dinh dưỡng.

BS.CK1. Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

 

Người viết: admin

Theo dõi