Ăn dặm vui vẻ

Trẻ nhỏ / 14.04.2021

Ăn dặm là tiến trình tập cho trẻ làm quen với thức ăn của người lớn. Thời điểm cho trẻ bắt đầu ăn dặm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tròn 6 tháng tuổi (tròn 180 ngày) và tiến trình kết thúc khi trẻ ăn được cơm như người lớn. Mặc dù trẻ ăn uống để phát triển thành người lớn là một quy luật tự nhiên, nhưng ở mỗi giai đoạn chuyển tiếp chế độ ăn của trẻ đều tạo sự lo lắng và hồi hợp cho gia đình, đặc biệt là người chăm sóc.

CÁCH GIÚP BÉ ĂN DẶM VUI VẺ MẸ CẦN BIẾT
                                                                                                                                                                      Ảnh: Internet

Shopping chuẩn bị cho trẻ ăn dặm:

  • Bạn có thể chọn mua bột vị ngọt hoặc vị mặn, cũng có thể dùng xen kẻ 2 vị khác nhau giúp trẻ thú vị hơn.
  • Chọn mua bột dinh dưỡng được sản xuất từ các công ty uy tín (có chứng nhận về quy trình sản xuất tốt, về kiểm soát chất lượng sản phẩm, như:  FDA, ABS-QE Hoa Kỳ, Hệ thống Quản lý Chất lượng ISO….
  • Chọn mua hộp bột có kích thước (trọng lượng – size) càng nhỏ càng tốt, để có thể mau chóng thay đổi mùi vị bột cho trẻ và dễ bảo quản.
  • Chọn mua chén và muỗng có màu sắc vui mắt và hình dáng ngộ nghĩnh.
  • Chọn nơi khô – mát – sạch để bảo quản bột.
Ăn dặm vui vẻ:
  • Bạn cần bình tĩnh và vui vẻ đón nhận thái độ của trẻ, có trẻ háo hức đòi ăn, có trẻ từ chối ngay từ những muỗng bột đầu tiên. Điều quan trọng là ngày nào bạn cũng nhắc trẻ ăn bột, không căng thẳng, không đè đỗ hoặc thúc ép.
  • Chọn thời điểm ăn là lúc trẻ vui.
  • Hãy khởi đầu bằng bột loãng sệt sau đó đặc dần, các dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận của trẻ đối với độ đậm đặc của bột là trẻ ăn ngon miệng và sau bữa ăn mau có lại cảm giác đói.
  • Ăn từ ít đến nhiều: Dung tích bữa ăn phụ thuộc vào trẻ. Nên khởi đầu bằng 1 bữa, trẻ thích ăn thì tăng lên 2 bữa mỗi ngày.
  • Khi trẻ đã quen với việc ăn dặm bột, bạn có thể nấu bột hoặc cháo tán nhuyễn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (bột – béo – đạm – rau).
  • Để trẻ rèn luyện sự tự tin và tính chủ động, nên cho trẻ ăn bằng chén và muỗng, không bỏ bột vào bình để bú hoặc sử dụng bình có muỗng để ăn, khi trẻ tự ngồi được và cầm nắm khéo léo thì khuyến khích trẻ tự ăn.
Những vấn đề thường gặp:
  • Ăn dặm sớm thường khởi phát từ tình trạng biếng bú của trẻ, bột ăn dặm sẽ làm trẻ khó tiêu và càng biếng bú hơn, lâu ngày dẫn đến trẻ chậm tăng cân và chiều cao.
  • Dùng cùng lúc nhiều hộp bột sẽ làm cho thời gian ăn hết 1 hộp bột kéo dài, dễ gây nhiễm khuẩn hộp bột.
  • Pha bột vào sữa, pha sữa bằng nước cháo sẽ làm cho trẻ khó tiêu hóa dẫn đến biếng ăn, táo bón, kém hấp thu can xi gây chậm tăng cân và chiều cao ở trẻ.
  • Trẻ không thích ăn bột: Hãy vui vẻ cho trẻ ăn trong 10 – 15 phút, trẻ không ăn nữa thì cho bú mẹ hoặc uống thêm sữa cho tròn bữa.
  • Ăn quá nhiều bữa: Trẻ từ 7 đến 8 tháng tuổi chỉ nên ăn 1 đến 2 bữa bột (cháo) mỗi ngày, vì ở giai đoạn này sữa mẹ còn khá nhiều và trẻ cần nhận đủ các khoáng chất từ sữa mẹ đế đóng thóp, mọc răng, tăng chiều cao.
  • Trẻ không ăn dặm, chỉ bú sữa: Càng xa thời điểm 6 tháng tròn bạn càng khó cho trẻ ăn dặm vì trẻ càng lớn càng có khuynh hướng không thích cái mới, vậy hãy nhớ thời điểm tròn 180 ngày.

 
 

  BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Người viết: admin

Theo dõi

028.39.700.886