Trẻ nhỏ / 17.07.2021
Các bạn học sinh sắp từ giã lịch “học, ăn, ngủ... rồi học” dày đặc thường ngày, chuẩn bị bước vào hè, mùa của vui chơi, thư giãn, khám phá thế giới xung quanh, hoặc trở về nguồn cội,... bằng những buổi dã ngoại, bằng những tua du lịch với gia đình, bằng những chuyến thăm quê đầy thú vị... Tuy nhiên, mùa hè cũng là mùa thời tiết khắc nghiệt, quá nắng nóng khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng làm thế nào đảm bảo trẻ vẫn khỏe mạnh, vẫn phát triển tốt về thể chất, tinh thần để trẻ có được những ngày hè thật ý nghĩa.
Câu hỏi thường gặp ở các bậc phụ huynh là cho con ăn gì, ăn như thế nào để không bị rối loạn tiêu hóa, không bị suy dinh dưỡng, béo phì...? Hay cho con đi chơi đâu, ăn uống khi ra ngoài như thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm? Dưới đây là những lưu ý trong chăm sóc trẻ ngày hè.
Cho trẻ uống đủ nước
Nước là thành phần rất quan trọng trong cơ thể, chiếm hơn 2/3 trọng lượng cơ thể. Nước là môi trường sống cho tế bào, là dung môi cho mọi hoạt động chuyển hóa chất dinh dưỡng, là chất điều hòa thân nhiệt, là phương tiện bài tiết chất độc hại trong cơ thể ra ngoài. Thời tiết nóng làm trẻ đổ mồ hôi nhiều gây mất nước và mất muối (có trong mồ hôi), việc sử dụng quạt, máy lạnh cũng làm trẻ mất nước. Thiếu nước cơ thể sẽ rối loạn những chức năng như tiêu hóa, bài tiết, điều nhiệt... mất nước làm thiếu men tiêu hóa gây khó tiêu và biếng ăn.
Vì vậy, cần chú ý cho trẻ uống đủ nước trong ngày. Nhu cầu nước hàng ngày ở trẻ khác nhau theo độ tuổi, cân nặng:
- Trẻ nhỏ dưới 10 kg cần khoảng 100ml/kg cân nặng.
- Trẻ hơn 10kg lượng nước cần = 1000ml + 50 (n-10) ml (n = số kg cân nặng).
- Trẻ trên 10 tuổi, lượng nước uống bằng người lớn, khoảng 1,5 - 2lít/ngày.
Khuyên trẻ uống nước thường xuyên, uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày, nên uống nước đun sôi để nguội, nước uống tinh khiết, các loại đồ uống có giá trị dinh dưỡng như: sữa dinh dưỡng các loại, sữa đậu nành, sữa chua, sinh tố, nước ép trái cây, nước đậu xanh…
Do thời tiết quá nóng nên xu hướng trẻ thích uống nước ngọt, nước đá, nước chua... Tuy nhiên, những loại này có thể làm trẻ thấy “đã khát” lúc uống nhưng lại không có tác dụng bù nước mà lại gây những hậu quả xấu như gây viêm họng do uống lạnh, gây chán ăn, béo phì khi uống nhiều nước ngọt hoặc dễ rối loạn tiêu hóa nếu uống nước đá không đảm bảo vệ sinh...
Nguồn: vtv.vn
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
Thời tiết không thuận lợi, trẻ thường khát nước, không muốn ăn, dễ ảnh hưởng sức khỏe nếu không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
Cần cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm cần thiết gồm chất bột đường (cơm, bún, phở, mì…), chất đạm (thịt lợn, thịt bò, cá, thủy hải sản, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, chất béo (dầu, mỡ, bơ…), vitamin và khoáng chất (rau, trái cây…) trong các bữa ăn. Nên chế biến dễ ăn, dễ tiêu hóa, thích hợp với khẩu vị trong mùa hè, các thức ăn nên luộc, hấp, nấu canh,...hơn là xào, rán, nướng vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và gây khát nước. Nên chia nhỏ nhiều bữa ăn, ngoài các bữa chính cho trẻ ăn thêm những bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, chè đậu các loại, sữa chua, bánh flan…
Cho trẻ uống đủ lượng sữa theo tuổi, có thể uống sữa tươi, sữa bột nguyên kem, sữa dinh dưỡng các loại vì đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, lại dễ sử dụng.
Tăng cường vitamin, đặc biệt là các vitamin B1, B2, B6, C và PP..., các loại trái cây tươi ngon như dứa, chuối, cam, dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ… là nguồn cung cấp vitamin, dưỡng chất và chất xơ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống các bệnh mùa hè.
Phòng bệnh mùa hè
Thời tiết nắng nóng khiến trẻ rất dễ mắc một số bệnh về tiêu hóa, hô hấp,... việc trẻ ở nhà một mình hoặc đi chơi, dã ngoại, du lịch... cũng khiến trẻ dễ gặp những tai nạn như té ngã, bỏng, đuối nước... nếu không được người lớn giám sát chặt chẽ.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất trước tiên là đảm bảo trẻ uống đủ nước, ăn đủ dưỡng chất, hợp vệ sinh. Sau đó giữ môi trường trong sạch, sử dụng các biện pháp làm mát như dùng quạt, máy lạnh đúng cách. Hạn chế việc cho trẻ ở trong phòng máy lạnh quá lâu, nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá cao so với nhiệt độ bên ngoài. Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không cho trẻ đang ở môi trường nắng nóng, trẻ đang ra mồ hôi nhiều vào ngay phòng điều hòa quá lạnh hoặc ngược lại rất dễ làm cơ thể không thích nghi kịp, sức đề kháng giảm sút, trẻ rất dễ bị bệnh. Trước khi cho trẻ vào phòng điều hòa, cha mẹ nên để trẻ ngồi ở ngoài một lúc, lau ráo mồ hôi, nếu muốn cho trẻ ra ngoài phòng điều hòa, cha mẹ nên mở phòng, cho trẻ đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới cho ra ngoài.
Khi đưa trẻ đi chơi, nên chuẩn bị thức ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho trẻ, hoặc chọn lựa những địa điểm cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không nên cho trẻ ăn thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Khi trẻ đi biển, đi bơi ở hồ, chú ý không để bé ngâm mình trong nước liên tục nhiều giờ có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Luôn có người lớn quản lý khi trẻ chơi đùa dưới nước đề phòng đuối nước cũng như có kế hoạch quản lý, nhắc nhở trẻ trong suốt những ngày hè để phòng tránh tai nạn thương tích như té ngã, bỏng... đáng tiếc xảy ra, đảm bảo trẻ được hưởng trọn mùa hè thật vui, thật ý nghĩa.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM