Trẻ nhỏ / 17.04.2021
Do cấu trúc cơ thể chưa hoàn chỉnh, chưa có ý thức về vệ sinh cá nhân và cách phòng tránh lây nhiễm các mầm bệnh từ môi trường, nên trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh đường tiêu hóa. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là chìa khóa vàng giúp trẻ mau lớn và thông minh.
Cấu trúc và chức năng của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa được chia thành nhiều phần, mỗi phần có chức năng riêng. Ống tiêu hóa bắt đầu là miệng, sau đó lần lượt là hầu - thực quản - dạ dày - ruột non - ruột già - trực tràng - ống hậu môn, cuối cùng là hậu môn; các cấu trúc khác giúp quá trình tiêu hóa - hấp thu diễn ra hoàn hảo là răng, lưỡi, tuyến nước bọt, tuyến tụy, gan và túi mật.
Táo bón: Táo bón được xác định khi trẻ có số lần đại tiện ít hơn bình thường, phân cứng, và đôi khi có máu. Táo bón rất thường gặp ở những trẻ biếng ăn, khẩu phần ăn ít rau - trái cây, sử dụng loại sữa không phù hợp, ít uống nước…
Táo bón kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng nặng như: sa niêm mạc trực tràng, rách niêm mạc trực tràng, trĩ…
Tiêu chảy: là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc rối loạn hệ vi khuẩn trong ruột do dùng kháng sinh điều trị bệnh nhiễm trùng.Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện nặng của rối loạn nước - điện giải, như bỏ ăn, bỏ bú, lừ đừ, tiểu ít, khóc không có nước mắt.
Nhận biết hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thường có những biểu hiện sau đây:
- Ăn tốt và ngủ ngoan.
- Ít mắc các rối loạn về tiêu hóa, như táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi…
- Phát triển tốt về cân nặng, chiều cao lẫn trí thông minh.
- Da niêm mịn và hồng hào.
BS CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM