Bí kíp của mẹ giúp con phát huy hết tiềm năng trí tuệ

Trẻ nhỏ / 03.04.2021

Con phát triển khỏe mạnh, thông minh luôn là niềm hạnh phúc của bậc làm cha mẹ. Vậy làm gì giúp con phát huy hết tiềm năng trí tuệ?

Thông minh có phải do di truyền?
Chắc chắn trí thông minh được di truyền từ cha mẹ về mặt sinh học, bên cạnh đó điều kiện nuôi dưỡng chính là những yếu tố ngoại cảnh tác động lên sự phát triển của trẻ. Những yếu tố này bao gồm chế độ dinh dưỡng, cách nuôi dạy của cha mẹ, môi trường sống của gia đình, sự giáo dục, rèn luyện và tương tác trải nghiệm trong cuộc sống. Nếu như yếu tố di truyền chúng ta không thể tác động được thì vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động giúp cho trẻ phát triển trí thông minh tốt nhất.
“Bí kíp” giúp con thông minh

Chuẩn bị ngay khi còn trong bụng mẹ
Mẹ mang thai phải chú trọng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, cuộc sống gia đình hạnh phúc, tinh thần phấn chấn, thoải mái, thường xuyên tương tác với con bằng cách nói chuyện, nghe nhạc nhẹ nhàng… là bước khởi đầu tốt nhất cho sự phát triển trí não của trẻ.

Dinh dưỡng giúp con thông minh


Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ tốt về thể chất và trí tuệ

Mẹ cần biết rằng, không có một loại thức ăn nhiệm màu nào làm cho trẻ thông minh, nhưng một tổng thể các chất dinh dưỡng nếu được cung cấp đúng và đủ sẽ giúp phát huy hết tiềm năng trí não được di truyền từ bố mẹ. Do đó, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng ưu việt cho trí não ngay từ trong bào thai và những năm tháng đầu đời là nền tảng quan trọng giúp trẻ hoàn thiện và phát huy hết khả năng trí tuệ sau này. Mẹ đừng quên bổ sung các dưỡng chất cho trí não:
- Chất đạm (protein): là vật liệu xây dựng tất cả các tế bào mô, cơ quan, trong đó có não, cung cấp đủ đạm đảm bảo sự phát triển tối ưu của trẻ.
- I-ốt: nếu thiếu trong thời gian mang thai sẽ làm giảm sự phát triển não bộ thai nhi, có thể dẫn đến chứng đần độn. Trẻ ra đời, nếu thiếu i-ốt trong khẩu phần dẫn đến giảm tổng hợp hormon tuyến giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ.
- Sắtthiếu sắt dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ trong thời thơ ấu. Thiếu máu thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ và ảnh hưởng đến kết quả học tập, do ngủ gật trong giờ học và thiếu oxy não ở trẻ lớn.
- Các acid béo không no chuỗi dài: thành phần cấu trúc não bộ có đến 60% là chất béo. Trong đó, DHA và ARA là các thành phần lipid chính của não. Trong thời gian có thai, người mẹ huy động DHA và ARA để hỗ trợ cho sự phát triển não bộ thai nhi. Sau sinh sữa mẹ tiếp tục cung cấp các dưỡng chất này cho não. Trẻ hết bú mẹ cần cung cấp các acid béo này từ nguồn sữa bổ sung và từ các thực phẩm khác.
- Cholin, Taurin, Lutein: có vai trò quan trọng trong phát triển hệ thần kinh và võng mạc mắt, giúp tăng cường khả năng học hỏi, ghi nhớ.

Xây dựng môi trường tương tác giúp trí thông minh tỏa sáng
- Nói chuyện cùng trẻ: là cách nuôi dưỡng tâm hồn tuyệt vời nhất, giúp trẻ mở mang trí tuệ, khám phá thế giới bằng những câu chuyện.
- Chơi trò trí tuệ: xếp hình, chơi cờ, ô chữ, giải câu đố giúp kích thích não trẻ hoạt động hiệu quả, giúp phát triển tư duy logic.

Trò chơi trí tuệ giúp trẻ phát triển tư duy logic.


- Đọc sách: mẹ đọc bé nghe khi còn nhỏ, khuyến khích trẻ đọc khi trẻ đã biết chữ, là cách đơn giản giúp bé cải thiện tiếp thu, tăng cường nhận thức.
- Vận động: vui chơi ngoài trời, giúp trẻ năng động, giúp tăng cường hấp thu dưỡng chất, tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, tinh thần tốt hơn. Các trò chơi vận động, các môn thể thao giúp trẻ vui vẻ, thêm tự tin, khéo léo, biết tổ chức, sắp xếp.
 

Bác sĩ CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Người viết: admin

Theo dõi