Chiều cao nền - Chìa khóa phát triển tầm vóc của trẻ
Trẻ nhỏ
/
01.04.2021
Chiều cao là một yếu tố thể hiện tầm vóc, và sức khỏe của con người. Các nhân vật có tiếng tâm trong lịch sử, vận động viên, phi công, quân đội và cả người mẫu đều có tầm vóc cao to. Có lẽ vì thế mà chiều cao luôn là mơ ước của nhiều bạn trẻ và các bậc cha mẹ.
Bài viết này nhằm giới thiệu thêm một số thông tin hữu ích về “chiều cao nền” giúp các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức hơn trong từng giai đoạn giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu.
Có nhiều yếu tố tác động lên sự phát triển chiều cao của trẻ, trong đó việc chuẩn bị chiều cao nền để làm bệ phóng cho suốt quá trình phát triển là hết sức quan trọng. Chiều cao nền là chiều cao tối ưu cần phải đạt được trong giai đoạn sớm nhất của quá trình tăng trưởng ban đầu. Điều đó hết sức quan trọng vì nó mang tính chất như bệ phóng để tăng chiều cao trong các giai đoạn tiếp theo trong suốt quá trình tăng trưởng khi xương chưa cốt hóa. Dựa theo bảng hằng số nhân trắc trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới chúng ta có thể ước lượng sự tăng trưởng chiều cao như sau: Khi nhóm trẻ sinh ra có chiều dài cao chênh nhau (thấp hay cao hơn 1 cm) so với trung bình thì khi đến tuổi trưởng thành, chiều cao của nó có thể chênh nhau khoảng 4 cm tức sẽ thấp hay cao hơn so với chiều cao trung bình khoảng 4 cm. Như vậy, để tăng thêm 3 cm chiều cao khi đến tuổi trưởng thành thì phải có chiều cao “nền” lúc mới sinh dài hơn 1cm so với trung chiều cao trung bình. Khi đến 2 tuổi thì chiều cao đã đạt được 50% lúc trưởng thành, sau đó tốc độ tăng chiều cao giảm dần và thường kết thúc ở tuổi 20 hoặc muộn hơn ở trẻ suy dinh dưỡng, nhưng trên thực tế cũng gặp nhiều trường hợp chiều cao kết thúc rất sớm ở độ tuổi 15 - 16 thậm chí sớm hơn ở các bé gái dậy thì sớm.
Về độ tuổi để phát triển chiều cao nền, Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ em có hai giai đoạn phát triển thể chất vượt trội là giai đoạn 1000 ngày đầu đời tính từ khi đứa trẻ ở giai đoạn phôi thai trong bụng mẹ đến 24 tháng tuổi và giai đoạn dậy thì và nhấn mạnh đây là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất, giai đoạn này quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai, thực chất đây là giai đoạn tạo ra chiều cao nền. Chiều cao nền có ý nghĩa như vận tốc ban đầu trong vật lý lúc chúng ta học phổ thông, vận tốc ban đầu càng mạnh và càng nhanh thì viên đạn được phóng đi càng bay cao, bay nhanh và bay xa hơn, năng lượng sử dụng càng nhiều mới thực hiện được việc đó. Tương tự như thế, chiều cao nền được phát triển tối ưu càng sớm thì càng có nhiều cơ hội cho phát triển chiều cao tối đa và ngược lại, chiều cao nền bị suy yếu thì chiều cao khi trưởng thành sẽ bị thấp đi nếu không được can thiệp sớm.
• Giai đoạn bào thai: đây là giai đoạn đứa trẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thể chất trong mọi giai đoạn. Vào 3 tháng cuối của thai kỳ mỗi tháng trẻ tăng trung bình 4,5 cm chiều dài.
• Giai đoạn sau sanh dưới 12 tháng tuổi: trẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các giai đoạn sau đó, trong 3 tháng đầu sau sanh, mỗi tháng trẻ tăng trung bình 3,5 cm với nhu cầu năng lượng cao nhất và giảm dần theo thời gian.
Bảng: Tốc độ tăng trưởng cân nặng, chiều cao và nhu cầu năng lượng.
TUỔI |
Tăng cân nặng
(kg/tháng) |
Tăng chiều cao
(cm/tháng) |
Nhu cầu năng lượng Kcal/kg/ngày |
0 - 3 th |
1 |
3,5 |
115 |
3 - 6 th |
0,6 |
2,0 |
110 |
6 - 9 th |
0,5 |
1,5 |
100 |
9 - 12 th |
0,4 |
1,2 |
100 |
1 - 3 tuổi |
0,25 |
1 |
100 |
4 - 6 tuổi |
0,18 |
6 cm/năm |
90 - 100 |
Nguồn: National Research Council, Food & Nutrition-Board: Recommended daily allowances, Washington, DC, 1989.
Như vậy, ngay từ trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra cho đến 24 tháng là giai đoạn tạo ra chiều cao nền tối ưu nhất để làm bệ phóng cho việc tăng chiều cao tiếp theo. Chiều cao nền là sự tích lũy xương và các chất dinh dưỡng trong cơ thể làm nền tảng cho quá trình tăng trưởng chiều cao tiếp theo một cách tối ưu nhất. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ bị suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời sẽ bị ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Đây là giai đoạn trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy và viêm đường hô hấp gây biếng ăn, giảm ăn làm giảm cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng. Vì thế, trong giai đoạn này trẻ cần được chăm sóc cẩn thận hơn.
• Giai đoạn dậy thì:
Tuổi dậy thì sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao và sẽ đạt đỉnh của chiều cao ở cuối giai đoạn này, mỗi năm trẻ có thể tăng khoảng 10-15 cm và mức tăng sẽ giảm dần khi trẻ khoảng 15 tuổi ở nữ và khoảng 17 tuổi ở nam nhưng chưa kết thúc và tiếp tục phát triển cho đến khi trẻ thưởng thành.
Như vậy để sở hữu một chiều cao lý tưởng cho con mình, các bậc cha mẹ phải chăm lo dinh dưỡng và sức khỏe bằng nhiều giải pháp cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ cho đến hết tuổi dậy thì, đặc biệt là trong 1000 ngày đầu đời để tạo ra chiều cao nền vững chắc giúp trẻ tăng chiều cao một cách tối ưu nhất trong tương lai.
TS. BS. Nguyễn Thanh Danh
Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM