Dinh dưỡng cho trẻ từ 1 - 3 tuổi

Trẻ nhỏ / 03.02.2021

Bé yêu của bạn đang bước vào giai đoạn 1 - 3 tuổi. Bắt đầu tập chuyển dần từ chế độ ăn dành riêng cho bé sang ăn các thức ăn cùng gia đình. Đây là giai đoạn chuyển tiếp mà mẹ đang suy nghĩ làm thế nào để bé hay ăn, chóng lớn, thông minh, phát triển tối đa về tầm vóc và trí tuệ? Những kiến thức sau có thể giúp bạn:

Bé yêu của bạn đang bước vào giai đoạn 1 - 3 tuổi. Bắt đầu tập chuyển dần từ chế độ ăn dành riêng cho bé sang ăn các thức ăn cùng gia đình. Đây là giai đoạn chuyển tiếp mà mẹ đang suy nghĩ làm thế nào để bé hay ăn, chóng lớn, thông minh, phát triển tối đa về tầm vóc và trí tuệ? Những kiến thức sau có thể giúp bạn:



Một chế độ ăn đa dạng, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng rất quan trọng trong lứa tuổi này khi mà lượng sữa bú mẹ đã giảm. Bữa ăn của bé phải đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng gồm đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất, vì vậy phải phối hợp nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu, đỗ, rau xanh, hoa quả, dầu mỡ, bơ, phô mai,…để tạo bữa ăn cân đối, hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của bé.

Nhu cầu năng lượng hàng ngày của bé

Từ 1 - 3 tuổi, trẻ cần khoảng 110 kcal/kg cân nặng, trung bình khoảng 1180kcal/ngày. Trong đó nhu cầu năng lượng do các chất protein cung cấp khoảng 15% (ít nhất 60% protein từ động vật), nhu cầu lipid khoảng 35 - 40% nhu cầu năng lượng (khoảng 70 % lipid từ động vật) còn lại là nhu cầu Gluxit. 

Năng lượng của các loại thức ăn ước tính như sau: 1 gam đường (Gluxit), 1 gam chất đạm (Protein) cho 4 kcal, 1g chất béo (Lipid) cho 9 kcal. 

Giá trị dinh dưỡng các loại thức ăn

Thịt, cá, trứng, sữa…chứa nhiều protein với tỷ lệ như sau: trong 100g thịt có khoảng 15 - 20g protein, trong 100g cá có khoảng 16 - 17g protein, mỗi quả trứng có khoảng 7g protein, trong đó 44,3% ở lòng đỏ, 50% ở lòng trắng, còn lại ở vỏ, trong 250ml sữa chứa khoảng 8g protein, 100g đậu hũ chứa khoảng 10g protein. Ngoài ra trong các loại thực phẩm này còn chứa một phần lipid, gluxit, các vitamin và chất khoáng, đặc biệt trong sữa chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng trên với tỷ lệ phù hợp cho sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ. 

Gạo, ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng lớn trong khẩu phần ăn hàng ngày, trong 100g gạo có khoảng 70 - 80g gluxit, 100g ngô chứa khoảng 60g gluxit, đồng thời cũng là nguồn protein thực vật và vitamin B1 của khẩu phần. 

Dầu, mỡ, bơ là nguồn cung cấp Lipid chính, rất cần thiết cho lứa tuổi này vì đóng vai trò quan trọng trong việc myelin hóa tổ chức thần kinh đồng thời giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin (A,D,E,K), là những vitamin rất cần thiết cho cho sự phát triển của trẻ.

Rau xanh, quả chín chứa nhiều các Vitamin và khoáng chất là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nhiều tác hại đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ, những chất này cơ thể không tự tổng hợp được mà phải được cung cấp từ thức ăn.

Sữa là loại thức ăn đặc biệt tốt cho trẻ vì trong sữa chứa đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng đạm, béo, bột đường, vitamin, khoáng chất, giàu canxi, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.

Cho bé ăn như thế nào mỗi ngày

Bạn có thể cho bé ăn 3 - 4 bữa chính, có thể là cháo hoặc súp, trẻ từ sau 18 tháng có thể tập ăn cơm mềm, nhưng phải đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng như trên. Khẩu phần ăn của bé mỗi ngày ước tính khoảng 100g - 140g gạo hoặc ngũ cốc, khoảng 80 - 120g thịt, cá, trứng, đậu hũ…, khoảng 20ml dầu ăn; rau và hoa quả theo nhu cầu của bé, ít nhất 100 - 200 g các loại rau xanh và 100 - 200 g các loại quả chín, để đảm bảo nhu cầu năng lượng và cân đối các thành phần dinh dưỡng giúp tiêu hóa, hấp thu tối đa dưỡng chất.

Đặc biệt, lứa tuổi này nguồn cung cấp năng lượng từ sữa rất quan trọng, mỗi ngày bạn nên cho bé bú khoảng 600 - 800ml sữa. Nếu trẻ không bú mẹ, trẻ cần được bổ sung ít nhất 600ml sữa/ ngày vào các bữa phụ. 

Cách chế biến thức ăn cho trẻ ở lứa tuổi này

Bạn có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ, mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ… tùy ý, cho thêm rau xanh và dầu mỡ như nấu bột nhưng với số lượng nhiều hơn (một muổng canh dầu ăn/1 chén cháo).

Bạn cũng có thể nấu các món súp bổ dưỡng cho trẻ với sự kết hợp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong một tô súp, phối hợp các loại thực phẩm tạo màu sắc tươi sáng của món ăn sẽ rất dễ hấp dẫn bé như súp đậu xanh - bí đỏ - thịt, súp trứng - thịt - tôm - cà rốt, súp thịt bò - cà chua, súp củ cải - nấm hương - đậu hà lan…

Trẻ đã tập ăn cơm mềm, bạn cần nấu cơm thật mềm hoặc tán nhỏ cơm cho bé dễ ăn, thức ăn cho bé cũng có các món thịt cá, món xào và canh như người lớn nhưng thịt cá, rau cần được băm nhỏ cho bé dễ nhai, dễ nuốt.

Cần hạn chế muối trong thức ăn của trẻ, không quá 1 muổng cà phê/ ngày. Nên thay đổi món ăn thường xuyên để tạo sự ngon miệng, hấp dẫn trẻ đồng thời giúp cân bằng về dinh dưỡng và đảm bảo tỷ lệ các loại protein động vật/ thực vật, lipid động vật/ thực vật theo nhu cầu của bé. Tập dần trẻ ngồi ăn cùng gia đình để cảm nhận không khí ấm cúng, yêu thương bé sẽ ăn ngon miệng hơn.

Bạn hãy quan tâm đúng mức chế độ ăn của bé đảm bảo đủ nhu cầu. Việc cho trẻ ăn thừa hoặc thiếu so với nhu cầu đều không tốt bởi trẻ có thể thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.

Người viết: admin

Theo dõi