Giai đoạn vàng cho trẻ thông minh

Trẻ nhỏ / 14.04.2021

Nhiều bậc phụ huynh trong quá trình mang thai luôn mong mỏi con mình khi sinh ra được mạnh khỏe, thông minh. Làm sao để hỗ trợ con phát triển như ý muốn?

Khoa học đã chứng minh di truyền chỉ tham gia 20-40% vào trí thông minh của trẻ. Một đứa trẻ có thành công hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, môi trường chăm sóc giáo dục, sự nỗ lực học hỏi của con.

3 giai đoạn "vàng" phát triển trí não cho trẻ mẹ có biêt?
                                                                                                                                                                     Ảnh : Internet

Chú ý dinh dưỡng từ lúc thai kỳ
Muốn con thông minh, các mẹ hãy chú ý dinh dưỡng ngay từ khi mang thai, thậm chí từ khi có ý định mang thai. Các mẹ cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ năng lượng để tăng cân đủ trong thai kỳ, đảm bảo cung cấp đủ, cân đối các dưỡng chất cần thiết (đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất) và chú ý tăng cường những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ của con (DHA, sắt, kẽm, iốt, vitamin nhóm B...).
Chất đạm (luôn có nhiều trong thịt, cá, lòng trắng trứng, sữa, tôm tép, cua, lươn, đậu đỗ, nấm...) có vai trò quan trọng tạo nên cấu trúc mô cơ thể, là nguồn cung cấp các axit amin có vai trò như những chất dẫn truyền thần kinh và cũng là nguồn gốc tạo ra các enzyme và các hormon cho cơ thể.
Chất béo (dầu, mỡ, bơ...) là nguồn cung cấp năng lượng, tham gia xây dựng cấu trúc màng tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Do chất béo chiếm đến 50% cấu trúc não bộ nên rất cần cho sự phát triển trí não, đặc biệt là các loại béo tốt như omega 3, omega 6, phospholipid, cholin, DHA, ARA có trong cá béo (cá thu, cá trích, cá hồi...), gan cá, dầu cá, các loại hạt có dầu (đậu phộng, óc chó, hạnh nhân...), lòng đỏ trứng, quả bơ...
Chất bột đường (gạo, gạo lứt, mì, bánh mì, bún, phở, khoai, bắp, yến mạch...) là nguồn cung cấp năng lượng chính, đặc biệt cung cấp glucose là nguồn năng lượng quan trọng cho hoạt động của não bộ.
Các vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B9 hay còn gọi là axit folic (có nhiều trong trứng, rau cải xanh đậm, bông cải xanh, các loại đậu, ngũ cốc...) giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của trẻ.
Vitamin A và beta caroten (có trong trứng, sữa, gan, rau củ quả màu đỏ, cam, vàng...) cần cho võng mạc mắt. Iốt (có trong muối iốt hay gia vị có iốt, rong tảo biển, hải sản...) cần cho sự tổng hợp hormon tuyến giáp, giúp trẻ phát triển trí thông minh. 
Sắt (có trong thịt đỏ, gan, huyết, trứng, rau xanh đậm...) giúp tăng tạo máu nuôi não. Kẽm (có trong thịt gà, hàu, sò, hải sản...) giúp cung cấp nguyên liệu tạo các men chuyển hóa và các hormon để điều hòa hoạt động cơ thể. 
Vitamin C (cam, bưởi, táo, dâu...) giúp tăng hấp thu các khoáng chất và tham gia chuyển hóa...

Theo dõi sự tăng cân của mẹ
Khoa học đã chứng minh có mối quan hệ giữa việc ăn đủ chất cần thiết với việc phát triển trí thông minh của trẻ. Theo sự phát triển, hệ thần kinh của trẻ bắt đầu hình thành ngay từ khi thụ thai và sẽ phát triển nhanh từ tuần lễ thứ 8 của thai kỳ. Khi chào đời, não trẻ đã bằng 25% trọng lượng não trưởng thành. 
Đến 1 tuổi, não trẻ đạt 70-75%, đến 2 tuổi đạt 80% và đến 6 tuổi gần như đạt 100% trọng lượng não người lớn. Vì vậy, giai đoạn từ khi mang thai và suốt từ khi sinh ra tới 6 năm đầu đời chính là giai đoạn vàng phát triển não bộ của trẻ.
Chế độ ăn đúng hay dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn này cần cung cấp đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của tuổi, của giới tính (nam, nữ) và tình trạng sinh lý của mẹ (mang thai, cho con bú) đồng thời đảm bảo sự cân đối giữa các chất dinh dưỡng.
Để biết cơ thể đã nhận đủ năng lượng chưa, ta cần theo dõi thường xuyên việc tăng cân hằng tháng hay quý. Cần tăng 10-12kg cho suốt thai kỳ với tốc độ tăng cân hợp lý là: 1-2kg cho quý 1, 4-5kg cho quý 2 và 5-6kg cho quý 3. 
Nếu trước khi mang thai, mẹ bị suy dinh dưỡng thì cần tăng cân nhiều hơn, hay mẹ bị béo phì thì cần tăng ít hơn. 
Sau khi sinh, trẻ cần tiếp tục được nuôi dưỡng tốt, theo dõi cân nặng cũng như chiều dài/chiều cao hằng tháng sao cho khi trẻ 1 tuổi sẽ đạt được tốc độ tăng cân gấp 3 lần lúc sinh (9kg), dài 75cm, khi 2 tuổi nặng gấp 4 lần lúc sinh (12kg), dài 85cm, khi 3 tuổi nặng trung bình 14kg, cao 95cm. Sau đó trẻ cần tiếp tục tăng 2-3kg/năm và cao thêm 5-6cm/năm cho tới tuổi tiền dậy thì.
Bên cạnh những dưỡng chất thông minh trên, cha mẹ cũng là tác nhân quan trọng giúp trẻ phát triển, hoàn thiện tốt hơn khả năng nhận thức và tư duy. Trẻ học hỏi thế giới bên ngoài qua mắt, tai, xúc giác nên mẹ hãy tạo điều kiện sớm cho trẻ tiếp xúc, trải nghiệm với các hoạt động để kích thích não bộ và giúp các giác quan của con phát triển.

Luyện trí tuệ và cảm xúc cho con càng sớm càng tốt
Hãy bắt đầu với thói quen kể chuyện cho trẻ, hát cho con nghe và cho con nghe nhạc ngay từ trong bụng mẹ, đặc biệt là vào 3 tháng cuối của thai kỳ.
Sau khi sinh, hãy mua cho con các loại đồ chơi phù hợp theo tháng tuổi với độ khó từ thấp đến cao để rèn luyện khả năng quan sát, tư duy. Hãy hát ru con bằng những vần thơ, giao tiếp, tương tác với con hằng ngày thông qua những câu chuyện nhiều cảm xúc, các loại trò chơi thú vị để khơi gợi tiềm năng của con.
 

Ths.Bs. Trần Thị Hồng Loan
Phó Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM

Theo dõi