Giải pháp khắc phục tình trạng bé ăn nhiều nhưng chậm tăng cân

Trẻ nhỏ / 17.04.2021

Trẻ em có dạ dày nhỏ hơn người lớn nhưng lại có nhu cầu dưỡng chất cao hơn. Do vậy, thức ăn cho trẻ nên là thực phẩm vừa giàu năng lượng, vừa giàu dưỡng chất.

Bên cạnh những bé bị biếng ăn gây chậm tăng cân, có rất nhiều bé dù ăn nhiều nhưng vẫn chậm tăng cân. ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan – Phó Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM - đã chia sẻ thông tin về vấn đề này.
Những nguyên nhân phổ biến
Trẻ chậm tăng cân có thể do nhiều nguyên nhân: một số bé mặc dù ăn đủ về lượng trong ngày nhưng bữa ăn lại thiếu cân bằng dinh dưỡng như thiếu chất béo, chất đạm, vitamin… Một số bé khác ăn được nhưng không chịu uống sữa hay uống sữa quá ít.
Ngoài ra, có nhiều em bị kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa, tiêu phân sống nên không hấp thu được dưỡng chất dù ăn nhiều. Hoặc các bé tiêu tốn nhiều calo do bị bệnh thường xuyên, bị nhiễm giun sán hay do quá hiếu động và chạy nhảy nhiều… cũng có thể khó tăng cân.

Nên đi khám định kỳ
Để đảm bảo bé phát triển tốt ở tất cả giai đoạn, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh và dưới 5 tuổi - giai đoạn trẻ tăng trưởng rất nhanh, mỗi tháng phụ huynh cần đưa con đi khám định kỳ và gặp các bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng.
Điều này sẽ giúp phụ huynh và trẻ được kịp thời phát hiện các vấn đề về nuôi dưỡng và sức khỏe chưa hợp lý (nếu có), từ đó điều chỉnh hay điều trị ngay. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng sẽ luôn hữu ích và cần thiết cho sự phát triển tối ưu của trẻ


                                                                                                                                                                  Bé chậm tăng cân, nguyên nhân từ đâu?
                                                                                                                                                 Ảnh: Internet


Ở giai đoạn sơ sinh, nguyên nhân chậm tăng cân thường do bé bú chưa đủ lượng sữa, kỹ thuật cho bú mẹ chưa đúng hay trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa hấp thu nên trẻ cần được theo dõi chăm sóc đặc biệt hơn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
Các loại thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh… mặc dù nhiều calo khiến bé tăng cân nhưng lại thiếu các dưỡng chất thiết yếu, nên khi trẻ ăn nhiều sẽ không khỏe mạnh, dễ mắc bệnh. Mẹ nên cho con ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ không chỉ năng lượng mà còn các chất quan trọng như đạm, đường, béo, các vitamin và khoáng chất.
Đối với trẻ từ 6 tháng, mẹ cần tập cho trẻ ăn dặm cả xác từ ít tới nhiều; đa dạng thực phẩm nhưng vẫn cần đảm bảo cho con đủ lượng sữa ít nhất 800 ml/ngày.
Với trẻ 8-9 tháng tuổi trở lên, mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ 6 nhóm thực phẩm mỗi ngày bao gồm: bột đường (bột, gạo, khoai, mì, nui, ngũ cốc…), đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, lươn, rong biển, đậu đỗ…), béo (dầu mè, dầu gấc, dầu ô liu, dầu nành, dầu hướng dương, dầu cá hồi, quả bơ…), rau củ (rau lá, rau củ), trái cây (các loại quả chín), nhóm sữa (sữa, sữa chua, phô mai).

Các mẹ có thể thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong mỗi nhóm và tăng dần độ đặc của chén bột hay cháo theo tháng tuổi để giúp con không bị nhàm chán, thú vị khám phá thức ăn và nhận được đủ chất.
Từ 1 tuổi trở lên, bên cạnh bữa ăn, cần chú ý cho trẻ uống ít nhất  500-600 ml sữa mỗi ngày và nên chọn các loại sữa giàu dưỡng chất để trẻ tăng cân khỏe mạnh.
Cha mẹ cũng cần tạo điều kiện cho trẻ vận động, chạy nhảy ngoài trời để tăng hấp thu vitamin D cho xương chắc khỏe; đồng thời tập cho trẻ đi ngủ sớm trước 22h để trẻ nhận đủ hormone tăng trưởng giúp xương dài ra.
Ngoài ra, phụ huynh nhớ xổ giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Dạy cho con rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng chống dịch bệnh.
 

Theo dõi